Chị Nguyễn Thị Hương (Hà Nội) mới sinh đầu lòng. Cho con bú được một tháng thì một bên đầu vú sưng đau nên chị không dám cho con bú vì sợ ảnh hưởng. Kết quả bên vú đó ngày càng cương đau, chị đi khám, bác sĩ kết luận nhiễm trùng vú. Bác sĩ khuyên chị phải cho con bú đều có hai bên.
Lời bàn: Theo BS Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi T.Ư, đau núm vú là một trong những than phiền phổ biến nhất của các bà mẹ trẻ. Nguyên nhân là do: Tắc ống dẫn sữa, mẹ quá nhiều sữa, bệnh ngoài da, nhiễm trùng vú và núm vú... nhưng hay gặp nhất là tổn thương núm vú do máy hút sữa và do các bà mẹ cho con bú sai cách – chỉ mút đầu vú. Ngậm bắt vú không đúng cách – sẽ gây tổn thương núm vú, còn bé thì không thể bú cạn bầu sữa. Kết quả là vú bị cương, ống dẫn sữa bị tắc và nhiễm trùng xuất hiện.
Vì vậy, để phòng tránh cần chọn tư thế đúng khi cho con bú và khuyến khích bé há miệng rộng khi ngậm bắt vú. Nếu bé chỉ mút núm vú, hãy nhẹ nhàng ngắt quãng cữ bú bằng cách đặt một ngón tay sạch vào góc miệng của bé hoặc ấn vào cằm và cho bé ngậm vú lại. Tìm cách thay đổi tư thế mỗi lần cho con bú để dàn trải áp lực lên những phần khác nhau của bầu vú.
Cho bé bú thường xuyên hơn để tránh những lần bé bú quá mạnh. Sau khi cho bé bú, hãy vắt vài giọt sữa và dùng tay sạch nhẹ nhàng xoa lên núm vú. Sữa mẹ vừa làm dịu núm vú vừa làm giảm nguy cơ nhiễm trùng (không áp dụng biện pháp này nếu mẹ bị nấm núm vú); Hong khô núm vú trong không khí sau mỗi cữ bú và giữ cho núm vú khô ráo...