Nhiễm ký sinh trùng vì… ôm ấp thú cưng

Tình trạng nhiễm giun đũa chó mèo đang có xu hướng gia tăng do sở thích ôm ấp, hôn hít và vuốt ve "thú cưng" của nhiều người.

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng Đại học Y Hà Nội, thông tin, hiện rất nhiều người bị nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng chó mèo. Giun đũa chó mèo ngoài gây viêm não còn gây ra nhiều triệu chứng khác như sẩn ngứa/mề đay, đau đầu, co giật, sốt kéo dài, rối loạn tiền đình, mất ngủ, gây u trong các phủ tạng như gan, tim, phổi, thận, não, mắt, cơ…, thậm chí gây rối loạn chức năng tiểu cầu dẫn đến xuất huyết.

“U ký sinh trùng” di chuyển dưới da vì nuôi 8 thú cưng

Bệnh nhân nữ N.T. T, (42 tuổi, Vĩnh Phúc) nhập viện trong tình trạng ngứa sẩn khắp cơ thể, đặc biệt tại lòng và mu bàn tay trái xuất hiện vệt dài loằng ngoằng, nổi gồ lên, dài 5 - 8 cm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với giun đũa chó mèo (Toxocara spp). Người này cho biết, gia đình nuôi 3 con chó và 5 con mèo.

Hiện nay, nhiều người, nhất là giới trẻ, thích nuôi thú cưng, phổ biến là nuôi chó, mèo. Ít ai ngờ rằng, chính việc tiếp xúc quá gần gũi thú cưng là nguyên nhân làm số bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo gia tăng những năm gần đây.

Một trường hợp khác là Đ.G.B. (6 tuổi, Quảng Ninh), bé bị sốt kéo dài 1 tuần, đau đầu âm ỉ, tăng cảm giác đau toàn thân... Gia đình cho hay, nhà có nuôi nhiều chó, mèo và trẻ thường chơi đùa cùng chúng. Từ kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não và chọc dịch não tủy, làm xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán tăng bạch cầu ái toan do nhiễm giun đũa chó mèo.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cũng cấp cứu cho trẻ 23 tháng tuổi ở Cần Thơ bị suy hô hấp, tràn dịch màng phổi do giun đũa chó mèo di chuyển lên phổi….

Ấu trùng giun đũa chó mèo nổi trên tay bệnh nhân.

Ấu trùng giun đũa chó mèo nổi trên tay bệnh nhân.

Theo TS.BS Vũ Minh Điền, Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương, giun đũa chó mèo là loại ký sinh trùng thường gặp ở chó và mèo. Chúng có khả năng lây nhiễm sang người qua đường tiêu hóa. Khi con người tiếp xúc đất hoặc nước bị nhiễm trứng giun từ phân chó, mèo, trứng giun có thể xâm nhập vào cơ thể qua miệng, phát triển thành ấu trùng. Những ấu trùng này di chuyển qua các mô cơ thể, gây ra nhiều triệu chứng, phổ biến nhất là ngứa, nổi sẩn và các ban trên da.

Tỷ lệ nhiễm giun đũa chó mèo trong cộng đồng hiện nay rất cao, đặc biệt ở khu vực có nhiều người nuôi chó, mèo làm thú cưng. Trước đây, chó mèo chỉ được nuôi để canh giữ nhà cửa hoặc săn bắt chuột, nhưng hiện nay, chúng trở thành thú cưng phổ biến, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm giun sán cho người. Những người có kháng thể dương tính kèm theo triệu chứng như ngứa, nổi ban sẩn, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để xét nghiệm, điều trị kịp thời.

“Trong số những người đến khám và xét nghiệm ký sinh trùng, tỷ lệ người dương tính với giun đũa chó mèo tới 50%. Bệnh nhân nhỏ nhất đến khám nhiễm bệnh là trẻ 1 tuổi. Nguyên nhân không chỉ tiếp xúc đất, cát nhiễm ký sinh trùng, mà do xu hướng ôm ấp, hôn hít và vuốt ve thú cưng ngày càng gia tăng của mọi người”, GS.TS Nguyễn Văn Đề nói thêm.

Ổ chứa ấu trùng giun dễ nhầm với khối u di căn

GS.TS Nguyễn Văn Đề phân tích, giống giun Toxocara thuộc họ giun đũa Ascarididae, liên quan người chủ yếu là giun đũa chó Toxocara canis và giun đũa mèo Toxocara cati. Toxocara ký sinh ở chó, mèo chứ không phải ở người. Người lớn hay trẻ em vô tình bị nhiễm Toxocara qua thức ăn, nước uống bẩn, tay bẩn sau khi nựng nịu, chăm sóc chó, mèo…

Vào cơ thể, ấu trùng giun ký sinh ở khắp cơ thể, đặc biệt nhiều ở phủ, tạng như gan, phổi, mắt, não... Đó là những ổ chứa ấu trùng giun với tổ chức viêm (dễ nhầm với các khối u di căn) và gây nên những triệu chứng khác nhau.

GS.TS Nguyễn Văn Đề tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh Thúy Nga

GS.TS Nguyễn Văn Đề tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh Thúy Nga

Khối u không chỉ do ký sinh trùng trú ngụ, mà còn do xác chết của chúng để lại. Bởi sau khi ta nuốt phải, ấu trùng giun xuyên qua thành ruột vào máu lưu hành đến gan, tim, phổi, não, bắp cơ… tồn tại của ấu trùng và những chất tiết của chúng gây tổn thương thành mạch, mô mềm, hoại tử và xuất huyết, buộc cơ thể người đáp ứng lại bằng cách tạo ra phản ứng miễn dịch học và những phản ứng bệnh lý.

Ấu trùng giun không phát triển được trong cơ thể người, sau nhiều tuần, tháng, chúng sẽ chết và bị vôi hóa, hình thành khối u hạt ở những nơi từng “định cư”.

GS.TS Nguyễn Văn Đề cảnh báo, nhiễm Toxocara ở người rất khó chẩn đoán vì triệu chứng đa dạng, tùy vị trí ký sinh mà có những biểu hiện lâm sàng khác nhau nhưng không đặc hiệu. Chẩn đoán chủ yếu là sinh thiết (nếu là u dưới da hay những nơi có thể sinh thiết, nội soi), chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ (nếu ở não, gan), bạch cầu ái toan tăng có tính chất chỉ điểm ký sinh trùng.

Thông thường, người mắc bệnh sẽ mệt mỏi, ăn ngủ kém, hay ngứa, nổi mày đay từng lúc… Tùy từng vị trí di chuyển, bệnh lại gây biểu hiện khác nhau theo các thể như:

Toxocara nội tạng: Triệu chứng hay gặp là ho, khò khè, sốt kéo dài, thiếu máu, gan to… xét nghiệm máu thấy bạch cầu axit tăng cao, bệnh nhân có thể lên cơn hen suyễn hoặc viêm phổi, tràn dịch màng phổi và gây suy hô hấp. Người bệnh thường có gan to, dễ nhầm với tổn thương ác tính. Một số trường hợp có lách to hay nổi hạch, nổi mày đay, nốt dưới da, đau khớp, viêm mạch máu.

Nếu ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, người bệnh sẽ có biến chứng nặng nề như mất điều hòa vận động, co giật, hôn mê hoặc nhẹ hơn như rối loạn cảm giác, yếu cơ, rối loạn tâm thần… Một số trường hợp hiếm gây viêm cơ, viêm mô dưới da, báng bụng, viêm dạ dày, bệnh lý giãn cơ tim, khối u giả ở cơ tim gây đột tử....

Toxocara ở mắt: Ấu trùng di chuyển vào mắt, thường ở một bên, hiếm khi hai bên. Người bệnh bị giảm thị lực, đau mắt, lé mắt kéo dài nhiều tuần, thường gặp nhất là u hạt võng mạc, dễ nhầm với ung thư. Những biểu hiện thường gặp khác là viêm màng bồ đào, viêm thần kinh thị, có mủ trong tiền phòng.

Toxocara không điển hình: Người bệnh có những triệu chứng không đặc trưng như ăn ngủ không được, sốt, đau bụng, ho, hạch sau cổ…

“Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh giun đũa chó mèo rất quan trọng, vì nếu không được xử lý kịp thời, ký sinh trùng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Bên cạnh việc điều trị, cần có biện pháp phòng ngừa như tẩy giun định kỳ cho chó, mèo và giữ vệ sinh cá nhân để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm”, TS Điền nhấn mạnh.

Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh từ thú cưng

- Ăn chín, uống sôi, rửa kỹ rau, trái trước khi ăn.

- Luôn rửa sạch tay, đặc biệt là sau khi chơi với vật nuôi, cầm nắm thức ăn của chúng hoặc sau khi cọ rửa chuồng thú nuôi. Khi cọ rửa hoặc dọn chất thải của vật nuôi, nên mang găng kỹ càng.

- Hạn chế hôn hít vật nuôi, cũng như ăn cùng chúng.

- Không cho vật nuôi chơi ở gần khu vực chế biến thức ăn.

- Không nhận nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc.

- Tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo.

- Nên tiêm ngừa đầy đủ cho vật nuôi trong nhà.

- Không thả chó chạy rông phóng uế bừa bãi nhất là khu vực nhà trẻ, trường học, sân chơi, công viên…

Theo Đời sống
back to top