Hãy ở hoàn cảnh ấy… mới hiểu rõ nỗi đau
Trước đại dịch, tôi từng làm việc với bệnh nhân đột quỵ tại bệnh viện suốt 6 tuần. Trong thời gian đầu, tôi nhận ra rằng có một cuộc đấu tranh không thể diễn tả được mà bệnh nhân muốn trao đổi với tôi.
Đó là một cuộc đấu tranh vẫn bí ẩn, đau đớn, thiêng liêng, nhưng bệnh nhân từ khước chia sẻ và tỏ ra giận dữ, trầm buồn, im lặng.
Đau khổ là một bí ẩn đan xen vào tinh thần, cảm xúc, thể chất và tâm hồn của một người. Do đó, việc chữa lành đòi hỏi một phương pháp tiếp cận liên ngành.
Việc chăm sóc sức khỏe hôm nay, cần lưu ý đến tính tổng thể. Điều này có nghĩa là các nhà trị liệu lâm sàng được khuyến khích nhìn con người và vấn đề qua “lăng kính đa chiều” - tinh thần, thể chất, tình cảm, tâm lý, xã hội.
Do đó, trong điều trị cần chú ý đến nhu cầu của bệnh nhân: Sự quan tâm vô điều kiện, một lời cầu nguyện (tùy vào niềm tin của bệnh nhân), một cái chạm tay, một sự đồng cảm... có thể giúp bệnh nhân cảm thấy sống động hơn là chỉ uống thuốc đơn thuần.
Kubler-Ross (bác sĩ tâm thần người Mỹ, nghiên cứu cận tử) cho rằng, một người đang đối mặt với phần kết thúc của cuộc đời, chính niềm tin vào giá trị tinh thần sẽ nâng đỡ người đó, có thể giúp kiểm soát nỗi sợ hãi và niềm hy vọng này giúp họ đối phó với tuyệt vọng.
Riêng tôi, cũng từng cảm thấy kiệt sức sau nhiều lần cố gắng tiếp cận một bệnh nhân, ông thường lăn xe chậm rãi dọc hành lang bệnh viện.
Một buổi tối, tôi nhẹ nhàng gõ cửa phòng ông và nói "Xin chào ông X ... Tôi đến thăm ông ... Sau đó, tôi đứng yên đợi chờ với tất cả sự tôn trọng và quan tâm. Đột nhiên, ông mở lời "Nếu cô ở vào hoàn cảnh của tôi, cô mới cảm thấy đau đớn của tôi."
Khoảnh khắc im lặng, rồi tôi hỏi "Nỗi đau của ông lớn, rất lớn ạ, con cảm được vậy, có đúng không?"
Ông nhìn xuống bàn chân bị liệt của mình rồi nhìn thẳng vào mắt tôi: “Cô có thể hiểu nỗi đau của tôi khi nhìn thấy sự biến dạng của cơ thể, nhưng cô không thể cảm nhận được nỗi đau của tôi… xin cô biến ra khỏi đây ngay hoặc có thể đến lần khác không?”
Nhìn vào mắt ông, tôi hiểu rằng ông không cảm thấy an toàn. Tôi đã hứa sẽ quay lại vào lần khác.
Một ngày khác, ông nói với tôi “Tôi cố gắng tin vào người tốt, những người có thể cảm nhận tình trạng rối loạn của tôi, có thể cảm nhận được nỗi đau của tôi. Khó quá!”
Tôi coi những lời nói này là lời nhắn gửi ông lão dành cho chính tôi, nhà trị liệu.
Thất vọng và lo lắng là thông điệp gởi đến ta rằng… chúng ta sắp đi vào lãnh thổ của bấp bênh!
Chỗ dựa tinh thần, gia đình… sự hiện diện vô điều kiện của thầy thuốc… rất quý giá và thường có thể chuyển đổi nỗi thống khổ sang điều có thể chịu đựng được. Quả vậy, sau đó, tôi nhìn thấy nụ cười nhẹ nhõm trên khuôn mặt của ông.
Cho phép bản thân và những người khác có một khoảng không gian
Hãy học cách tạm dừng, học cách chờ đợi, học cách lắng nghe và học cách nhìn, cho phép bản thân và những người khác có một khoảng không gian. Vì khả năng chịu đựng nỗi đau cần không gian này và sẽ được tìm lại ý nghĩa qua cách ta ghi lại thành nhật ký, hoặc kể ra… thành câu chuyện.
Ví dụ sau đây là minh họa về đoạn nhật ký “Chỉ có ngày hôm nay” của Đức Giáo hoàng John 23.
1. Chỉ có hôm nay, tôi sẽ quan tâm đến ngoại hình của mình: tôi sẽ ăn mặc tử tế; tôi không lớn tiếng ra oai; tôi sẽ lịch thiệp trong xử thế, tôi sẽ không chỉ trích bất cứ ai, tôi sẽ không tìm cách phô trương, không nghiêm khắc, không kỷ luật bất cứ người nào...ngoại trừ bản thân tôi.
2. Chỉ có hôm nay, tôi cương quyết sống tích cực, không để mình rơi vào cám dỗ muốn giải quyết ngay tức khắc những bất trắc của cuộc sống.
3. Chỉ có hôm nay, tôi sẽ thật hạnh phúc trong niềm tin vững chắc rằng: tôi được tạo dựng để sống hạnh phúc, hạnh phúc không phải chỉ ở đời sau, nhưng chính ngay trong thế giới này
4. Chỉ có hôm nay, tôi sẽ học thích nghi với những biến cố mới xảy đến trong ngày sống, mà không tìm cách bắt các biến cố này phải chiều theo ước muốn của riêng tôi.
5. Chỉ có hôm nay, tôi sẽ dành 10 phút để đọc một đoạn sách bổ ích, đây là thực phẩm thiêng liêng giúp nuôi dưỡng tâm hồn, như thức ăn cần bồi bổ cho thân xác.
6. Chỉ có hôm nay, tôi sẽ làm một điều tốt mà không cần “thông báo” cho ai biết.
7. Chỉ có hôm nay, tôi sẽ làm ít nhất một việc tốt mà tôi thích làm.
8. Chỉ có hôm nay, tôi sẽ lên kế hoạch cho chính bản thân mình: có thể sẽ không hoàn toàn thực hiện được như lòng mình mong ước, nhưng tôi cương quyết lên kế hoạch. Tôi sẽ cố gắng cảnh giác với 2 kẻ thù: do dự và không dám quyết định.
9. Chỉ có hôm nay, tôi tin tưởng vững chắc rằng, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi được Trời Cao yêu thương hơn bất kỳ một ai trên địa cầu này.
10. Và chỉ có hôm nay, tôi sẽ không sợ hãi. Đặc biệt, tôi không sợ tận hưởng vẻ đẹp thiện mỹ. Thực vậy, chỉ có 12 giờ, tôi có thể chắc chắn làm những gì tôi tin rằng mình phải làm...và tôi sẽ lập lại như thế suốt đời tôi.
« ...Tôi mong là đốm lửa sáng lên giữa đêm đen, như dấu chỉ của niềm cậy trông cho người bên cạnh mình, tôi mong là chất xúc tác của tình yêu, chút men ủ ấp mầm sống: bao lâu tôi hướng về điều thiện hảo tích cực, bấy lâu tôi còn có thể sống sung mãn trong sự giàu có thâm sâu của nội tâm, ấm áp yêu thương và đầy tình liên đới»
Tôi muốn cảm ơn từng người, đã giúp đỡ lẫn nhau. Và cám ơn tất cả thầy cô cùng các em sinh viên đã đan dệt nên "văcxin tinh thần" giữa đại dịch Covid-19.