Theo đạo luật có hiệu lực từ năm 2019, các "nhân công lành nghề được chỉ định" trong 14 lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng và vệ sinh được phép ở lại đến 5 năm, nhưng không được mang theo gia đình.
Chính phủ Nhật Bản đang xem xét nới lỏng những hạn chế đó do các công ty chỉ trích rằng, đây là một trong những lý do khiến họ do dự khi thuê nhóm lao động này. Nếu luật sửa đổi có hiệu lực, những người lao động, trong đó có số lượng lớn lao động Việt Nam, sẽ được phép gia hạn visa vô thời hạn và mang theo gia đình giống như những lao động nước ngoài có tay nghề cao hơn.
Theo nhật báo Nikkei,Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách mở rộng danh mục khác vốn hiện chỉ áp dụng cho hai trong số 14 lĩnh vực trên là xây dựng và đóng tàu.
Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết, Chính phủ hiện đang "xem xét" vấn đề trên, nhưng lưu ý rằng bất kỳ thay đổi nào cũng không có nghĩa là lao động nước ngoài sẽ tự động có quy chế thường trú nhân hoàn toàn.
Nhật Bản đang đối mặt áp lực "mở rộng cửa" cho lao động nước ngoài do tình trạng thiếu lao động trầm trọng khi dân số ngày càng giảm và già hóa. Ông Toshihiro Menju, Giám đốc điều hành Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản cho rằng, khi vấn đề dân số ngày càng thu hẹp trở nên nghiêm trọng hơn và nếu Nhật Bản muốn được coi là một lựa chọn tốt cho người lao động nước ngoài, nước này cần phải chứng minh họ có cơ chế phù hợp để chào đón nhóm lao động này.
Theo dữ liệu của Chính phủ nước này, luật năm 2019 ra đời với mục tiêu thu hút khoảng 345.000 "công nhân lành nghề được chỉ định" trong vòng 5 năm, nhưng lượng lao động chỉ dao động ở mức khoảng 3.000 người/tháng trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.
Tính đến cuối năm 2020, Nhật Bản có 1,72 triệu lao động nước ngoài, trong tổng số 125,8 triệu dân và số lao động nước ngoài chỉ chiếm 2,5% lực lượng lao động ở nước này.