Tốc độ Internet thường được đo bằng lượng dữ liệu có thể được truyền giữa hai thiết bị trong một giây. Kỷ lục mới là 319 terabit mỗi giây (Tb/s). Con số này gấp đôi kỷ lục thế giới trước đó về tốc độ internet nhanh nhất và cao hơn khoảng 7,6 triệu lần so với tốc độ internet gia đình trung bình ở Mỹ ( 42 megabit/giây ).
Các loại kết nối internet khác nhau truyền dữ liệu qua những loại phần cứng khác nhau. Ví dụ, các kết nối quay số cũ phụ thuộc vào dây điện thoại, phần cứng truyền tải dữ liệu internet nhanh nhất hiện nay là cáp quang.
Những loại cáp này truyền dữ liệu bằng phương pháp sử dụng các xung ánh sáng, chạy dọc theo sợi quang học mỏng có lõi bằng thủy tinh hoặc nhựa.
Để phá kỷ lục về tốc độ internet nhanh nhất, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia Nhật Bản phát triển một sợi quang thử nghiệm với 4 lõi, chứ không phải 1 sợi thông thường.
Nhóm nghiên cứu kết hợp sợi quang mới chế tạo với một tia laser bắn ra các xung với những bước sóng khác nhau và áp dụng nhiều kỹ thuật khuếch đại tín hiệu. Công nghệ tích hợp này cho phép cáp quang truyền dữ liệu trên khoảng cách hơn 2 897 km với tốc độ 319 Tb/s.
Tia laser và bộ khuếch đại, được sử dụng để phá kỷ lục tốc độ internet nhanh nhất có giá không hề rẻ, do đó chưa thể có internet gia đình tốc độ 300 Tb/s trong tương lai gần. Nhưng một thành tựu của thử nghiệm có thể ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội trong tương lai không xa: sợi quang học.
Một phần thiết bị của hệ thống công nghệ phá kỷ lục về tốc độ internet nhanh nhất. Ảnh NICT
Các nhà nghiên cứu đã cố gắng đóng gói tất cả 4 lõi thành một sợi có đường kính tương tự như các sợi lõi đơn được sử dụng để cung cấp internet cáp quang ngày nay. Kết quả này có nghĩa là không quá khó để tích hợp công nghệ này vào cơ sở hạ tầng hiện có.
Theo nhóm nghiên cứu Nhật Bản, những sợi cáp quang công nghệ mới có thể cho phép truyền dữ liệu tốc độ cao thực tế trong thời gian tới, hiện thực hóa hệ thống truyền thông đường trục cần thiết cho mở rộng các dịch vụ truyền thông mới ngoài 5G.