Bỏ học vì bạn bè trêu không có bố
3 giờ chiều, chúng tôi bước vào phòng bệnh của Khoa tâm thần, Bệnh viện 103, Lợi vẫn ngủ say. Thấy nhà báo và bác sĩ đến thăm, mẹ cậu lay gọi mà cậu vẫn ngủ.
Đứng nói chuyện bên hành lang phòng bệnh, người mẹ nghèo khắc khổ mở đầu câu chuyện của lòng mình: Chỉ vì không có bố,bạn bè trêu chọc mà cháu tự ái nghỉ học…
Chị Hương là người nông dân thuần phát. Chị không may mắn như những phụ nữ khác khi không có một mái ấm gia đình trọn vẹn. Khi mang thai Lợi thì người đàn ông mà chị định lấy làm chồng bỏ đi. Nghĩ mình kiếm một đứa con, nên chị đành lòng với số phận. Cuộc sống làm nông vất vả, sinh xong chị gửi con cho ông bà ngoại, còn mình thì đi làm thuê, làm mướn. Cứ như vậy, thời gian trôi qua. Những đứa trẻ khác có bố mẹ chăm sóc, còn Lợi đều bị trẻ con trêu chọc là “không bố, con hoang”.
Mặc dù người lớn giải thích nhiều, nhưng có lẽ cậu nhạy cảm nên từ nhỏ đã ít nói, không tiếp xúc, chẳng chơi với ai. Ông bà đã già, mẹ thì đi làm xa, cũng không có kiến thức tâm lý để khuyên con, và cứ để thời gian trôi đi in sâu với những suy nghĩ của Lợi. Hằng ngày đi học về Lợi thường vùi vào trong xó nhà. Mọi người thường bảo nó ít nói. Thế rồi năm đang học lớp 8, cậu nhất quyết xin bỏ học đi làm.
Đi làm phụ xây được một thời gian, Lợi mua chiếc điện thoại. Tối đi làm về cậu thường chơi game. Xong đến một ngày, cậu không đi làm nữa chơi game cả ngày trong phòng, thậm chí cơm chẳng ăn. Ông bà ở nhà không để ý, cứ nghĩ Lợi ham chơi. Một lần chị Hương về chơi bước vào phòng con mới nhận ra có mùi khó chịu. Chị đi dọn phòng thì phát hiện đống phân. Khi chị tra hỏi là của ai thì cậu chối. Vài hôm sau lại thấy như vậy, mà con cứ thừ ra, không nói, không rằng, chỉ cắm đầu vào điện thoại. Khi chị Hương kể với hàng xóm, thì họ bảo cho cháu đi khám…
Người mẹ nghèo lúc đầu nghĩ con bị ma nhập, đã mời thầy về cúng bái, nhưng bệnh của Lợi không giảm mà có tần suất gia tăng. Gọi cậu cũng không trả lời. Thấy vậy, chị cho Lợi đi viện thì mới biết được cậu mắc bệnh tâm thần, vì nghiện game.
Lau hàng nước mắt, chị Hương ngậm ngủi: Tôi đã số không chồng, bị người đời chê cười, tưởng có đứa con trai dựa tuổi già. Vậy mà, nay lại mắc bệnh…
Nghiện game có 2 nhóm triệu chứng
GS.TS. BSCC Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Hà Nội chia sẻ, người chơi game online có thể có một số hoặc tất cả các triệu chứng của nghiện ma túy. Nhiều người trong số họ tập trung vào game còn nhiều hơn vào các vấn đề khác của cuộc sống. Khi trở thành nghiện game, họ sẽ bị trầm cảm với biểu hiện là mất hết các hứng thú và sở thích khác, lười vệ sinh cơ thể, sút cân, mất ngủ, bỏ bê công việc, tắt điện thoại và nói dối bạn bè về thời gian chơi game.
Như vậy, người nghiện game sẽ có 2 nhóm triệu chứng sau đây: Nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy và nhóm triệu chứng trầm cảm.
Không giống như nghiện ma túy, vai trò của yếu tố sinh học là không rõ ràng trong nghiện game online trong khi vai trò tâm lí là rất lớn. Người nghiện game tìm thấy ở các trò chơi những điều mới mẻ, hấp dẫn cho cuộc sống của họ. Khi chơi game, họ cảm thấy thích thú, dễ chịu hơn. Ánh sáng, màu sắc, âm thanh và nội dung của game có sức cuốn hút đối với người chơi game hơn các vấn đề trong cuộc sống thực tại. Dần dần, game ngày càng chiếm ưu thế trong các vấn đề mà họ quan tâm.
Khi chơi game, người ta nhận thấy não người chơi có sự tăng giải phóng dopamin, tăng sản xuất các morphin nội sinh. Các chất này tạo lên sự khoan khoái cho người chơi, dần dần họ trở thành nghiện game.
Ở những người nghiện game, người ta nhận thấy có sự sụt giảm đáng kể nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin tại khe sinap ở não. Các xét nghiệm tìm kiếm serotonin trong huyết tương và trong dịch não tủy của người nghiện game cũng chứng tỏ điều này. Sự sụt giảm nồng độ serotonin giống với bệnh sinh của trầm cảm, vì vậy người nghiện game có các triệu chứng điển hình của trầm cảm và lo âu.
Khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, các triệu chứng của nghiện game online thuyên giảm rõ rệt. Hiện người ta chưa rõ trầm cảm, lo âu là hậu quả của nghiện game hay là nguyên nhân gây ra nghiện game online.
Báo cáo đầu tiên về nghiện game online có từ năm 1994, khi tạp chí Wired lưu ý rằng một số sinh viên chơi game tới 12 giờ mỗi ngày và không còn chú ý gì đến việc học hành.
Tháng 7 năm 2007, Trung Quốc yêu cầu người chơi game phải đăng ký và buộc các game thủ dưới 18 tuổi phải ngừng chơi tiếp nếu đã chơi đủ 3 giờ mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu game thủ chơi quá 3 giờ mỗi ngày thì sẽ bỏ bê 50% các công việc khác, tỉ lệ này lên đến 100% nếu chơi quá 5 giờ.
Phạm Hằng