<div> <p style="text-align: justify;"><strong>5 tháng nhập gần 30 tỉ USD</strong></p> <blockquote> <p style="text-align: justify;">Với đặc thù buôn bán mậu biên, hàng hóa từ Trung Quốc rất dễ dàng được đưa vào VN. Tình trạng này cũng khiến cho hàng lậu hay gian lận thương mại dễ diễn ra</p> <p style="text-align: justify;">Ông Lê Phụng Hào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam</p> </blockquote> <p style="text-align: justify;">Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã chi 29,9 tỉ USD (bình quân mỗi tháng gần 6 tỉ USD) nhập khẩu hàng hóa các loại từ Trung Quốc.</p> <p style="text-align: justify;">Đặc biệt, Trung Quốc dẫn đầu trong 8 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày; nhóm hàng sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện; sắt thép các loại... Riêng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng như chất dẻo nguyên liệu thì Trung Quốc đứng thứ hai sau Hàn Quốc. Chỉ mặt hàng xăng dầu là không thấy tên quốc gia này trong nhóm các nhà cung cấp cho Việt Nam...</p> <p style="text-align: justify;">Không chỉ thế, ngay cả mặt hàng rau quả, trái cây nhập khẩu cũng ngày càng tăng. Đáng nói là các loại trái cây nhiệt đới mà Việt Nam trồng rất nhiều như sầu riêng, chôm chôm, cam, quýt, măng cụt... cũng được nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc. Bộ NN-PTNT cho biết trong 5 tháng đầu năm, giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu đạt 878 triệu USD, cao gấp rưỡi so với con số 601 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó Trung Quốc đứng thứ hai sau Thái Lan xuất khẩu vào Việt Nam lượng sản phẩm này khi chiếm 19,6%, tương đương khoảng 172 triệu USD.</p> <p style="text-align: justify;">Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy mức nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc ngày càng tăng. Năm 2018, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 24 tỉ USD, tăng thêm 1 tỉ USD so với năm 2017. Đến 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 16,2 tỉ USD, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Việt Nam nhập siêu ‘khủng’ từ Trung Quốc, xuất siêu lớn nhất vào Mỹ</strong></p> <p style="text-align: justify;">Lý giải về nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng cao, ông Lê Phụng Hào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam cho rằng, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc được áp dụng từ lâu. Đến nay, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đều được hưởng mức thuế ưu đãi, thậm chí còn 0%, khiến cho các sản phẩm từ quốc gia này vốn đã rẻ nay càng rẻ hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc có nguồn cung dồi dào, đủ sản phẩm “thượng vàng hạ cám”, từ rẻ tiền đến cao cấp nên các doanh nghiệp dễ lựa chọn. Đặc biệt, Trung Quốc có chung đường biên giới với VN nên tồn tại đặc thù loại hình kinh doanh biên mậu. Do nhiều yếu tố trên khiến hàng hóa Trung Quốc dễ dàng được đưa vào Việt Nam. Vì vậy, trên thị trường, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập, từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm đến đồ điện tử, điện gia dụng.</p> <p style="text-align: justify;">Vị chuyên gia này chia sẻ, khi còn làm ở một công ty giày dép trong nước, ông có chuyến khảo sát thị trường tại các tỉnh biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc và nhận thấy việc kinh doanh qua lại giữa hai bên cũng giống như buôn bán ngay trong thị trường nội địa. Những chuyến xe chở hàng hóa chính thức qua lại cửa khẩu với thủ tục khá nhanh chóng. Ví dụ, nhập vải theo đường chính ngạch, thủ tục kiểm duyệt chặt chẽ hơn, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn về thuốc nhuộm, về kiểm dịch; nhưng khi nhập khẩu qua đường biên mậu thì hàng rào kỹ thuật rất lỏng lẻo. Đó là chưa kể hàng đi đường tắt, qua sông... mà cơ quan hải quan không thể kiểm soát được.</p> <p style="text-align: justify;">Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, chuyên gia tư vấn về thuế, phân tích thêm, đặc thù buôn bán mậu biên là được phép để người dân địa phương dễ dàng trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, chính sách này dễ bị lợi dụng để các công ty tuồn hàng vào thị trường nội địa hoặc thậm chí là buôn lậu. Đồng thời, việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc cũng tiềm ẩn nguy cơ kê khai giá thấp hơn giá trị thật để đóng thuế thấp. Hoặc đơn vị nhập khẩu kê khai không đúng mã hàng hóa, chuyển sản phẩm từ mã có thuế nhập khẩu cao sang mã hàng có mức thuế nhập khẩu thấp hơn (đây là hình thức gian lận thương mại).</p> </div>