Từ lâu, các nhà khoa học cho rằng, RNA - phân tử cơ bản tồn tại trong tất cả các cơ thể sống chỉ tham gia vào quá trình tổng hợp protein. Nhưng nghiên cứu mới đã chứng minh, các phân tử RNA có chức năng rộng hơn nhiều, có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh tật. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Đồ họa mô phỏng sự sửa chữa DNA trong tế bào.
Một trong những căn bệnh như vậy trong ung thư, sự tổn thương DNA của tế bào con người có thể là một yếu tố để điều trị. DNA thường xuyên tổn thương và được sửa chữa thường xuyên liên tục, nhưng trong một số trường hợp, tổn thương DNA có thể dẫn đến đột biến gây ung thư trong bộ gene. Sự hiểu biết cơ bản về cách tế bào sửa chữa DNA là điều kiện then chốt cho quá trình thiết kế các phương pháp điều trị mới.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã kiểm tra cách thức những phân tử RNA không mã hóa và các protein liên quan trong việc sửa chữa các đứt gãy sợi kép DNA của tế bào ung thư. Nhóm nghiên cứu phát hiện được hai loại phân tử - RNA nhỏ dành riêng cho cơ thể Cajal 2 (scaRNA2) và WRAP53 tương tác để điều chỉnh enzym kinase protein phụ thuộc vào DNA (DNA-PK), từ đó ảnh hưởng đến cơ chế sửa chữa DNA.
Đồng tác giả nghiên cứu Marianne Farnebo, nhà khoa học tại Khoa Tế bào và Sinh học Phân tử, Khoa Khoa học Sinh học và Dinh dưỡng tại Đại học Karolinska cho biết, khám phá mới cho thấy một số RNA có thể liên kết với một loại enzym sửa chữa DNA bị hư hỏng, hoạt động giống như một nút 'bật-tắt'. Nhóm nghiên cứu phát hiện được, mức độ thay đổi RNA dẫn đến việc sửa chữa DNA bị lỗi trong các tế bào ung thư.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, kết quả của nghiên cứu nâng cao sự hiểu biết về vai trò của RNA trong quá trình sửa chữa DNA và sự phát triển bệnh ung thư.
Nhận thức này mở ra những phương pháp tiếp cận mới trong điều trị ung thư, như sử dụng các phân tử RNA tổng hợp để kích thích sự chết tế bào trong tế bào ung thư.