<p><span><span><span><span><span><span>Dù còn nhiều rào cản, còn nhiều thách thức để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2<sup>o</sup>C vào cuối thế kỷ 21, song, các kỳ Hội nghị COP đã giúp nhân loại nhận rõ mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu, giúp các nước xích lại gần nhau, đoàn kết để bảo vệ trái đất, bảo vệ chính mình.</span></span></span></span></span></span></p> <div> <figure class="image" style="display:inline-block"><img alt="ND43" src="https://khds.1cdn.vn/2019/02/02/nd43(3).jpg" /> <figcaption>Các nhà lãnh đạo thế giới vui mừng khi Thỏa thuận Paris được thông qua tại COP21 (2015)</figcaption> </figure> </div> <p><span><span><span><span><span><span>Mấu chốt cho việc các nước nhóm họp tại các Hội nghị COP là xem xét việc thực hiện Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu. Công ước này ra đời năm 1992 và có hiệu lực vào năm 1994. Công ước khung không ràng buộc giới hạn phát thải khí nhà kính cho các quốc gia đơn lẻ và không bao gồm cơ chế thực thi.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Sau khi có hiệu lực, năm 1995, các nước nhóm họp lần đầu tiên tại Berlin (Đức). Kỳ COP thứ nhất đã đồng thuận về "Các hành động cùng được thực thi", những biện pháp chung tay đầu tiên trong hành động chống lại biến đổi khí hậu quốc tế.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Kỳ COP thứ 2 diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào năm 1996 đã chấp nhận những phát hiện khoa học về biến đổi khí hậu được đưa ra bởi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC). </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>COP 3 năm 1997 tại Kyoto (Nhật Bản) là một bước ngoặt quan trọng. Sau các cuộc thương thảo quyết liệt, các quốc gia đã thông qua Nghị định thư Kyoto, lần đầu tiên vạch ra các nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính cho các quốc gia phát triển thuộc Phụ lục I. Nghị định thư này cũng đề ra 3 cơ chế mềm dẻo để giảm phát thải là Cơ chế cùng thực hiện (JI), cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) và cơ chế phát triển sạch (CDM). Nghị định thi Kyoto có hiệu lực vào năm 2005 và kết thúc vào năm 2012.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Từ kỳ COP 4 năm 1998 đến COP 10 năm 2004, các quốc gia bàn thảo về việc trách nhiệm thực hiện Nghị định thư Kyoto, huy động tài chính, công nghệ… </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Hội nghị COP 11 tại Montreal (Canada) năm 2005, được xem là hội nghị liên chính phủ lớn nhất về biến đổi khí hậu từng diễn ra với 10.000 đại biểu. Sự kiện này đánh dấu việc Nghị định thư Kyoto bắt đầu có hiệu lực. Tuy vậy, chính trong thời gian 8 năm chuẩn bị thực hiện Nghị định thư Kyoto, các quốc gia đang phát triển vốn không có trách nhiệm giảm phát thải như Trung Quốc, Ấn Độ lại phát thải ghê gớm. Điều đó khiến các quốc gia nhận thấy, việc gia hạn Nghị định thư Kyoto sau năm 2012 là cần thiết để ràng buộc trách nhiệm giảm phát thải mạnh mẽ hơn nữa. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>COP 13 năm 2007 tại Bali (Indonesia) đưa ra Kế hoạch Hành động Bali, hình thành một hướng tiếp cận mới về giảm nhẹ khí nhà kính đối với các nước phát triển, được gọi là “các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMA).</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>COP 15 năm 2009 tại Copenhagen (Đan Mạch) kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thay thế Nghị định thư Kyoto nhưng không đạt kết quả bởi sự chia rẽ giữa các quốc gia. Tuy vậy, chính từ sự bất đồng này đã kích thích một tư duy mới. Các quan chức quốc tế hiểu rằng, không thể ép các nền kinh tế lớn phải làm những việc họ không muốn làm. Vì thế, ý tưởng về việc để các chính phủ tự nguyện đề ra mục tiêu giảm khí thải theo tính toán phù hợp với nhu cầu của nước mình được nhen nhóm từ đây. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Từ COP 16 đến COP 20, các quốc gia bàn thảo cực kỳ sôi động để hình thành một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto. Dù có lúc bế tắc song mỗi kỳ COP, các quốc gia đều thống nhất đưa ra một cơ chế, sáng kiến để hướng đến giảm phát thải. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Đó là các quốc gia xây dựng Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) để cam kết lộ trình giảm phát thải từ năm 2021, không phân biệt nước phát triển hay đang phát triển; xây dựng Quỹ Khí hậu Xanh để huy động nguồn lực giúp các nước nghèo ứng phó với BĐKH; triển khai “các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (NAMA). </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Định hướng Durban tại COP 17 năm 2011 đã thống nhất kéo dài trách nhiệm giảm phát thải của các nước phát triển theo Nghị định thư Kyoto thêm 5 năm nữa. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Tuy vậy, những kết quả trên vẫn là những bước tiến nhỏ. Chỉ đến COP 21 tại Paris (Pháp) với Thỏa thuận lịch sử được gần 200 quốc gia thông qua ngày 12/12/2015 mới đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hơn 20 năm theo đuổi mục tiêu chống biến đổi khí hậu của nhân loại. Bản Thỏa thuận một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện. Mục tiêu quan trọng nhất của Thỏa thuận này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2oC, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>3 kỳ COP tiếp theo là COP 22 - năm 2016 tại Marrakech (Ma rốc), COP 23 - năm 2017 tại Bonn (Đức) và COP 24 kết thúc giữa tháng 12 vừa qua tại Katowice (Ba Lan) tiếp tục khẳng định quyết tâm giữ vững cam kết và đưa ra lộ trình hiện thực hóa Thỏa thuận Paris. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>COP 22 thông qua một tuyên bố kêu gọi cam kết chính trị cao nhất và đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. COP 23 khởi động tiến trình “Đối thoại Talanoa” để xem xét các kế hoạch giảm thiểu khí thải nhà kính hiện hành nhằm đạt các mục tiêu tham vọng của Thỏa thuận Paris. COP 23 còn đưa ra được bản dự thảo một bộ quy tắc chi tiết thực thi Thỏa thuận này.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Bộ quy tắc này đã được chính thức hóa tại COP 24 vừa qua dưới tên gọi Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris. Từ đây, các quốc gia có một cẩm nang hướng dẫn xây dựng lộ trình chi tiết, cách thức áp dụng để hiện thức hóa Thỏa thuận. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Như vậy, sau hơn 20 năm, các quốc gia khác nhau về chế độ chính trị, sự phát triển kinh tế, với nhiều chủng tộc, tôn giáo khác nhau… đã có chung một mục đích hành động vì tương lai khí hậu Trái đất. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu còn lâu dài. Muốn bảo vệ sự an toàn của mọi người, các quốc gia cần tiếp tục đoàn kết, sẻ chia trách nhiệm và phát huy nội lực chính mình.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Việt Nam tham gia Hội nghị biến đổi khí hậu từ những ngày đầu với mục tiêu là thu thập thông tin, tiếp cận xu hướng và nhận thấy cần nỗ lực để “tự cứu mình”.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Tại COP 13, lần đầu tiên, một Bộ trưởng tham gia Hội nghị này - Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên. Đoàn Việt Nam còn tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan đến trách nhiệm của Việt Nam cũng như nhóm được đang phát triển. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Từ COP 14 đến COP 20, đoàn Việt Nam duy trì tham gia với đại diện đến từ hơn 10 Bộ, ngành và do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng Bộ TN&MT làm Trưởng đoàn. Tại các kỳ họp này, Việt Nam nổi lên là một quốc gia đang phát triển, bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu song đã có những nỗ lực hành động để ứng phó và đóng góp trách nhiệm của mình vào cuộc chiến chung này. </span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Đến COP 21 tại Paris, lần đầu tiên, Thủ tướng Việt Nam tham dự sự kiện biến đổi khí hậu lớn nhất hành tinh này. Lần đầu tiên, Việt Nam tuyên bố đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu. Số tiền này không lớn song thể hiện tinh thần hợp tác, chia sẻ của Việt Nam trong cuộc chiến này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu mang tính “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt”.</span></span></span></span></span></span></p> <p><span><span><span><span><span><span>Càng những kỳ COP sau này, tỷ lệ thuận với sự căng thẳng của các hội nghị là sự tham gia ngày càng tích cực của đoàn Việt Nam. Việc tham gia tích cực vào các kỳ Hội nghị COP về biến đổi khí hậu, một mặt, Việt Nam đang tìm giải pháp để cứu chính mình bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Mặt khác, từ đây, chúng ta tìm thấy những cơ hội hợp tác, đổi mới tư duy nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, biến thách thức thành cơ hội hướng đến nền kinh tế cacbon thấp và phát triển bền vững.</span></span></span></span></span></span></p>