Nhận biết sớm trẻ thừa cân

(khoahocdoisong.vn) - Thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016 có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân-béo phì. Ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì có xu hướng tăng nhanh trong thập kỷ qua, đặt biệt là ở khu vực thành phố.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi trẻ có cân nặng cơ thể cao hơn số cân trung bình so với chiều cao và tuổi từ 20% trở lên, có những lớp mỡ quanh đùi, cánh tay, trên vú và ở cằm thì phải nghĩ ngay tới tình trạng béo phì ở trẻ. Có hai cách để  xác định trẻ thừa cân hay béo phì: Quan sát trẻ thấy thân hình to béo một cách không bình thường so với lứa tuổi (đi lại nặng nề khó coi….) và dùng cân đo để xác định trẻ thừa cân hay béo phì. Nếu trẻ có chiều cao đạt mức chuẩn bình thường mà cân nặng vượt mức bình thường 25% thì trẻ đó đã bị thừa cân và có nguy cơ béo phì. Nếu trẻ có số cân nặng vượt mức bình thường 50% thì chắc chắn trẻ đó đã bị bệnh béo phì.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng QG cho biết, trẻ béo phì chủ yếu là do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể , do đó năng lượng  dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các tổ chức. Những trẻ có chế độ ăn giàu chất béo, đậm độ năng lượng cao có liên quan chặt chẽ với gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì. Nếu quan sát trẻ béo phì ta thường thấy trẻ tròn trịa nhưng chân tay khẳng khiu, trương lực cơ yếu, thiếu máu, gan to, thoái hóa mỡ, phù,... đây chính là đặc điểm của trẻ thừa cân nhưng suy dinh dưỡng thể phù. Điều dễ nhận thấy nhất, trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù là phù ở mí mắt, mặt và hai chân. Ngoài biểu hiện phù, trẻ còn có rối loạn sắc tố da như có vết loang lổ trên da, có những chấm hoặc nốt rải rác hoặc tập trung thành từng mảng màu đỏ, nâu, đen, da khô, bong vẩy, dễ bị hăm đỏ, lở loét…Trẻ thừa cân, béo phì thường kéo theo nhiều hệ lụy đối với sức khỏe sau này như mắc nhiều bệnh mãn tính, bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp, mỡ máu, trẻ thiếu năng động, khó hòa nhập.

Để phòng tránh thừa cân, trong quá trình mang thai, mẹ không nên để trẻ sơ sinh có cân nặng quá cao hay suy dinh dưỡng thấp còi. Trong quá trình chăm sóc trẻ, không nên cho trẻ ăn quá nhanh, hạn chế đồ ăn vặt, đồ ngọt, thức ăn nhanh, không cho trẻ ăn nhiều vào buổi tối. Thêm vào đó ngủ ít cũng được xem là một yếu tố nguy cơ cao đối với thừa cân. Các nghiên cứu của nước ngoài cho biết, hoạt động tiêu mỡ của cơ thể đạt tối đa về đêm và ngủ ít làm giảm tiêu mỡ nói chung.

Hương Lan

Theo Đời sống
back to top