Các bác sĩ khoa Dược, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông bí cho biết, rụng tóc là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể con người. Tuy nhiên, rụng tóc quá mức khiến nhiều người lo lắng do nghi ngờ liên quan đến bệnh lý.
Rụng tóc bệnh lý là gì?
Rụng tóc bệnh lý là tình trạng tóc rụng nhiều bất thường trong thời gian kéo dài, số lượng tóc rụng lên đến 100 sợi mỗi ngày, có thể rụng thành từng nhúm, từng mảng, rụng nhiều nhưng không mọc lại hoặc mọc lại nhưng tóc yếu.
Nguyên nhân gây rụng tóc có thể do yếu tố bên ngoài như môi trường, nấm, viêm nang tóc, do sử dụng hóa chất, do chế độ ăn thiếu hụt vitamin và khoáng chất… hoặc các yếu tố bên trong cơ thể như thay đổi nội tiết (phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh); trong một số bệnh lý như sốt xuất huyết, thương hàn, bệnh lý tuyến giáp…; hay do di truyền, do stress…
Chế độ ăn uống mất cân bằng như ăn ít trái cây, rau củ tươi, ăn ít cá, thịt gia cầm, sữa, ngũ cốc… uống không đủ nước cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt vitamin (vitamin C, D, E, B9, B12) và khoáng chất (sắt, kẽm…) gây rụng tóc.
Rụng tóc quá mức có thể liên quan đến bệnh lý - Ảnh minh họa BVCC |
Vitamin và khoáng chất ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng rụng tóc?
Sắt: Sắt là khoáng chất thiết yếu tham gia vào quá trình tạo máu, có chức năng vận chuyển oxy từ phổi đến các mô, cơ quan, trong đó có cả tóc. Khi thiếu sắt, cơ thể sẽ ưu tiên cho các chức năng quan trọng thiết yếu nhằm duy trì sự sống như thở, vận động hơn là tóc. Vì vậy thiếu sắt cũng là nguyên nhân làm tóc yếu.
Kẽm: Kẽm là khoáng chất quan trọng tham gia vào các quá trình hấp thu, chuyển hóa chất dinh dưỡng của cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch, kích thích tiêu hóa… Vì vậy, thiếu kẽm dẫn đến nhiều quá trình hấp thu, chuyển hóa chất dinh dưỡng không diễn ra làm cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của tóc gây gãy, rụng.
Vitamin và khoáng chất ảnh hưởng đến sức khoẻ mái tóc - Ảnh minh họa BVCC |
Vitamin C: Vitamin C là một trong những chất oxy hóa mạnh, tham gia vào quá trình tạo collagen giúp bảo vệ tóc khỏi các gốc tự do, tăng đàn hồi cho tóc, làm giảm gãy rụng tóc. Bên cạnh đó, Vitamin C còn giúp tăng cường hấp thu sắt - một trong những khoáng chất quan trọng ảnh hưởng đến tình trạng rụng tóc.
Vitamin E: Vitamin E giúp tăng cường nội tiết tố nữ, là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tóc khỏi các gốc tự do, kích thích mọc tóc do tăng lưu lượng máu đến da đầu nuôi dưỡng tóc, cung cấp dưỡng chất giúp nang tóc chắc khỏe, giữ ẩm cho tóc giúp tóc bóng, mượt…
Vitamin D: Vitamin D là chất chống viêm và tăng cường miễn dịch, hỗ trợ nuôi dưỡng nang tóc chắc khỏe. Do đó thiếu hụt vitamin D làm nang tóc yếu, dễ gãy rụng.
Vitamin nhóm B (B7, B9, B12…): Vitamin nhóm B đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của tế bào, là nhóm vitamin cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của nhiều cơ quan trong cơ thể như hệ thần kinh, da, tóc, móng…
Thiếu vitamin nhóm B có thể dẫn đến thiếu máu, và gây ra các vấn đề về thần kinh, viêm da, viêm da đầu…
Đặc biệt vitamin B7 (Biotin) là một dưỡng chất quan trọng với tóc giúp tóc bóng mượt. Vitamin B9 (acid folic) tham gia vào các quá trình tổng hợp acid nucleic và chuyển hóa aicd amin trong cơ thể, việc thiếu hụt vitamin B9 có thể gây rụng tóc, tóc bạc sớm.
Vitamin B12 tham gia vào quá trình tổng hợp protein và chuyển hóa các chất, tạo máu. Nếu cơ thể sản xuất đủ tế bào hồng cầu thì các tế bào nang tóc được hấp thu đầy đủ dưỡng chất giúp tóc chắc khỏe.
Như vậy, vitamin và khoáng chất có vai trò quan trọng không chỉ với sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ mái tóc. Việc thiếu hụt các vitamin và khoáng chất lâu ngày làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể dẫn đến một số bệnh lý.
Vitamin và khoáng chất được bổ sung chủ yếu từ các thực phẩm hàng ngày như rau xanh, củ quả tươi, thịt, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại hạt, đậu…
Tuy nhiên, cần có chế độ ăn uống hợp lý đảm bảo cân bằng lượng vitamin và khoáng chất cho cơ thể giúp phòng ngừa các bệnh lý và cải thiện tình trạng da, tóc, móng.
Một số trường hợp thiếu hụt vitamin và khoáng chất nặng không bù đủ bằng chế độ ăn cần bổ sung bằng các chế phẩm dạng thuốc dưới sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ hoặc nhân viên y tế.