Nhận biết quả chín bằng hóa chất

(khoahocdoisong.vn) - Hóa chất thúc chín trái cây nguy hiểm thế nào, làm thế nào để phân biệt?

PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, người ta sử dụng nhiều loại hóa chất khác nhau để làm chín trái cây. Các loại hóa chất này nếu ở hàm lượng cực nhỏ thì ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng việc ngâm tẩm, nhúng, thậm chí là tiêm chúng vào hoa quả, lại gây ra những tác hại  khó lượng cho sức khỏe.

Các hóa chất này có nguồn gốc từ chất ethrel, có thể gây ngộ độc tức thời nếu dùng quá mức. Trái cây chín theo kiểu bị ngâm tẩm hóa chất, người mua thường rất khó phát hiện ra. Ngoài vỏ, trái cây rõ là đã chín, khi bổ ra, múi sầu riêng cũng vàng ươm, những múi mít cũng chín vàng. Chỉ khi ăn mới phát hiện ra là nhiều khi vỏ chuối chín mà trong thì vẫn còn nhựa, múi mít thì bị sượng, có trường hợp ăn xong đau bụng, hoa mắt chóng mặt.

Để chọn được trái cây an toàn, người tiêu dùng có thể dùng các kinh nghiệm như chuối chín tự nhiên thì vỏ căng tròn, các góc không gồ lên, màu vàng của vỏ chuối sậm hơn, xỉn hơn chứ không vàng tươi rói, chuối có mùi thơm tự nhiên. Trên lớp vỏ vàng sậm có những chấm đen, nâu như tàn nhang (chuối trứng cuốc). Chuối chín cây sẽ chín từ từ, có khi cuống vẫn màu xanh.

Chuối có hóa chất cả trái lẫn cuống đều vàng ruộm. Mít chín tự nhiên là quả mít căng, các gai mít nở to. Khi bổ ra, các múi mít nở to, vàng đều, mùi và vị thơm ngọt. Đối với sầu riêng, nếu chín tự nhiên có mùi thơm nồng, chỉ cần tách nhẹ dưới đít trái là vỏ sẽ nứt ra theo từng múi. Sầu riêng chín ép rất khó tách vỏ từ phần đít, nên người bán loại sầu riêng này thường tách vỏ từ phần giữa trái.

Theo Đời sống
back to top