Ảnh minh họa.
Nhồi máu phổi là sự tắc nghẽn động mạch phổi hoặc một trong các nhánh chính của nó. Nguyên nhân hàng đầu là do cục máu đông từ xa di chuyển tới (trên 90%). Nguyên nhân do tổn thương thành mạch, dòng máu di chuyển chậm và tăng đông – đó là những điều kiện thuận lợi làm tăng khả năng hình thành huyết khối trong lòng mạch và di chuyển đến động mạch phổi gây nhồi máu phổi.
Nghiên cứu cho thấy, nhồi máu phổi gây rối loạn huyết động nặng, tương ứng với từ 50% lòng động mạch phổi bị tắc nghẽn ở những người không có bệnh tim trong tiền sử hoặc tắc nghẽn không quá 50% nhưng ở người có bệnh tim trước đó.
Khi có biểu hiện cần phải nhập viện cấp cứu tại đơn vị hồi sức tích cực để đánh giá toàn diện và chính xác tình trạng huyết động của bệnh nhân, tùy theo từng trường hợp sẽ được xử lý cấp cứu bằng điều trị triệu chứng (sốc tim, thuốc tăng cường co bóp tim, thở oxy) hoặc điều trị cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc phẫu thuật lấy huyết khối…
Biển hiện: 60-70% bệnh nhân nhồi máu phổi biểu hiện triệu chứng kinh điển là đau ngực với kiểu đau “viêm màng phổi” và chẹn ngực, đôi khi kèm với ra nhiều mồ hôi, sợ hãi, nhịp tim nhanh, xanh tím….
Đặc biệt, bệnh có những triệu chứng dễ bị chẩn đoán nhầm: 50% đau chân hoặc chân sưng to; ho ra máu (khoảng 10%); Nhịp tim nhanh (nhịp nhanh xoang hoặc rung nhĩ); Đau thắt ngực (đau bên phải do tăng công thất phải và thiếu oxy máu); Ngất (do cung lượng tim giảm tạm thời). Nhồi máu phổi rộng hoặc nhồi máu phổi tái diễn nhiều lần có thể làm cho buồng tim giãn.
PGS. TS Tạ Mạnh Cường (Viện tim mạch Việt Nam)