Theo các thống kê, lũ quét thường xảy ra vào ban đêm. |
Lũ quét thường xảy ra vào ban đêm
Một trong những nguyên nhân gây ra những đợt sạt lở nghiêm trọng thời gian qua là do diễn biến bất thường của thời tiết. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đợt mưa lớn năm nay có nhiều điểm đặc biệt. Thứ nhất là đến sớm, thông thường những trận mưa lớn như thế này phải đến tháng 7 - 8 mới xuất hiện. Tuy nhiên, năm nay, mới cuối tháng 6, mưa lớn đã xuất hiện sớm. Thứ hai, đây là trận mưa có lượng mưa rất lớn, những trận mưa lớn như thế này, trong quá khứ cũng rất hiếm gặp.
Lũ quét là một loại lũ đặc biệt lớn, dòng chảy xiết, có hàm lượng chất rắn cao và sức tàn phá lớn. Đặc điểm chính của lũ quét là chứa lượng vật rắn rất lớn, thường chiếm 3 - 10%, thậm chí trên 10% nên còn được gọi là lũ bùn đá. Lũ quét thường xảy ra khi có lượng mưa lớn và kéo dài ở lưu vực các sông suối nhỏ miền núi, có độ dốc lớn, mặt lưu vực bị phong hoá mạnh, kết cấu kém. Lũ quét thường xảy ra trong thời gian ngắn (3 - 6h), vào ban đêm và sáng sớm, trong các tháng mùa lũ. PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho hay, đến nay cũng chưa có một đề tài nghiên cứu chính thức nào lý giải vì sao lũ quét lại thường xảy ra vào ban đêm. Có thể nếu xảy ra vào ban ngày thì người dân dễ phòng tránh hơn, thiệt hại cũng ít hơn nên các trận xảy ra vào ban đêm khiến chúng ta ghi nhớ nhiều hơn. Nhận định này chỉ dựa trên con số thống kê các trận lũ quét đã từng xảy ra.
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, khi xảy ra mưa lớn, cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sạt… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển. Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.
Hạn chế đi lại qua sông, suối sau lũ
Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.
Để đề phòng lũ lụt nói chung và lũ quét nói riêng cần phải tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ. Ở các khu vực thường xảy ra lũ quét cần được nghiên cứu kết hợp với việc quy hoạch khai thác trị thuỷ, xây dựng các hồ chứa nước nhiều tác dụng như: Chống lũ, tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát điện, kết hợp với việc điều hoà lũ, phòng chống lũ quét. Lũ quét thường xảy ra rất nhanh và bất ngờ. Vì thế, bà con cần hạn chế đi lại qua sông suối sau lũ. Ngoài ra, nên di chuyển nhà tới những nơi an toàn trong trường hợp chỗ ở cũ bị san lấp hoàn toàn hoặc quá nguy hiểm.
Sạt lở đất là hiện tượng xảy ra rất nhanh nên cần chủ động phòng tránh, Những vùng có nguy cơ sạt lở cao như đất pha cát, bờ sông, bờ suối... Người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ. Tìm hiểu các lộ trình sơ tán, các kế hoạch trú ẩn và ứng phó với lũ quét. Khi có khả năng xảy ra lũ quét hãy chủ động sơ tán, đừng chờ đến khi có hướng dẫn di chuyển. Nếu bị kẹt trong nhà, ngắt hết các nguồn điện sinh hoạt, di chuyển lên điểm cao nhất, phát đi dấu hiệu cần giúp đỡ.