Dinh dưỡng đóng vai trò quyết định đối với việc nâng cao thể lực, trí tuệ cho con người. Tại các trường học tổ chức bán trú, vấn đề ATTP trong bữa ăn cho học sinh càng trở nên quan trọng, nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, giúp trẻ em có sức khỏe tốt, phát triển đầy đủ về đức, trí, thể, mỹ. Vì thế, với các bậc phụ huynh, bên cạnh việc học thì chuyện con ăn uống, nghỉ ngơi ở trường như thế nào luôn là mối quan tâm hàng đầu.
Đặc biệt, trong bối cảnh bệnh dịch và ATTP đang là câu chuyện thời sự, chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Do đó, các khâu kiểm soát nguồn gốc, ý thức thực hành trong chế biến, vệ sinh dụng cụ chứa đựng thực phẩm… là những phần việc phải làm thật tốt, nghiêm ngặt theo đúng quy trình.
Hiện nay, có 3 phương thức cung cấp bữa ăn cho học sinh gồm: trường tự nấu, trường phối hợp doanh nghiệp vào trường nấu và ký hợp đồng mua suất ăn ở bên ngoài đưa vào trường. Và dù lựa chọn phương thức nào thì trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh trước hết là do hiệu trưởng nhà trường. Bởi lẽ ngoài học tập, trường phải đảm bảo nhiệm vụ chăm lo sức khỏe học sinh thông qua việc nâng cao chất lượng bán trú, trong đó có chất lượng bữa ăn.
Cùng với hiệu trưởng, người chịu trách nhiệm cao nhất, các đơn vị doanh nghiệp được ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm cũng là đơn vị cùng chịu trách nhiệm. Điều này cũng đã được quy định rõ trong Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BYT-BGDĐT về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an tòa thực phẩm trong các cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế ban hành.
Trong đó nêu cụ thể quy định về an toàn thực phẩm cho bữa ăn tại nhà trường từ khâu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm cho các cơ sở giáo dục như nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm; khâu sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển cho đến nhà ăn của các cơ sở giáo dục. Vì thế, nếu để xảy ra ngộ độc sau khi phát hiện cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo, hiệu trưởng của trường đó và đơn vị cung ứng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.