Nhà thơ Ngọc Quế: Giỏi văn chương, đảm việc phường

Vừa về từ chuyến công tác xa, nhà thơ Ngọc Quế lại lao vào việc viết sách. Nhà xuất bản đang thúc giục bà với một loạt đầu sách mới. Dù vậy, bà vẫn dành chút thời gian để trải lòng mình về công việc và cuộc sống.

Nhà thơ Ngọc Quế.

Giỏi việc văn chương

Con hẻm số 17 nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, Phường 13, quận Tân Bình (TPHCM) dù ngoằn ngoèo, chằng chịt nhưng không khó tìm. Bởi khi hỏi nhà thơ Ngọc Quế, ai cũng ồ lên: “Tưởng gì chứ nhà bà ấy ai không biết. Số nhà 17/8/13 đấy”. Thế là người ta nhiệt tình dẫn lối vào nhà.

Dù trên bàn khá bừa bộn vì những bản thảo đang viết dang dở nhưng nhìn tổng thể căn nhà của bà rất đẹp, được thiết kế theo phong cách nữ tính, xung quanh toàn hoa và tượng đá. Bà cho biết đang viết dang dở những truyện ngắn được đặt hàng từ nhà xuất bản, cũng như đang “thai nghén” một số bài thơ để chuẩn bị xuất bản một tập thơ mới.

Bà hoạt động trong lĩnh vực văn chương khá lâu, hơn 20 năm. Bà tâm sự: “Điều may mắn và khó khăn chung là không làm hết việc. Ngoài việc sáng tác thơ, viết truyện, khi có thời gian lại biên tập bài cho báo Bình Dương ở mảng giải đáp câu chuyện “tình yêu – hôn nhân – gia đình”, trang Văn nghệ ở báo Mốt và Cuộc Sống…

Ngoài ra, còn được các nhà xuất bản đặt hàng viết các loạt sách: Truyền kỳ, Nhỏ to tâm sự, Gỡ rối tơ lòng, Nhỏ to tâm tình, Chuyện tòa án, Chuyện hôn nhân pháp luật… Mặc dù oải lắm, có lúc xoay như chong chóng, nhưng đó là hạnh phúc to lớn bởi nhờ thế mà tôi sống khỏe với nghề, trau dồi thêm kinh nghiệm cũng như chắc tay bút hơn”.

Trong thơ của bà người ta bắt gặp hình ảnh người phụ nữ khắc khoải, cô đơn, khao khát điều gì đó trong tình cảm. Bà chia sẻ: “Lời thơ chính là nỗi lòng của tôi. Chồng mất sớm, nên lúc nào tôi cũng nhớ về ông ấy”. Các bạn thơ nhận xét “Thơ của bà dù hay, mượt nhưng luôn đọng lại chút buồn da diết”; “Thơ sâu, hay hồi ức về một thời quá khứ tươi đẹp xa xưa. Nếu không cùng tâm trạng, không chiêm nghiệm ra cái cốt lõi thì khó mà nhận được cái hay trong đó”.

Đảm việc phường

Đối với công việc ở phường, nhà thơ Ngọc Quế luôn là người xăng xái, năng nổ. Bà hoạt động dường như tất cả các hội, nhất là hội phụ nữ. Bà tâm sự: “Tôi chỉ xin ông trời thương , cho sức khỏe tốt, không mắc bệnh nan y để phụng sự hết mình vì cộng đồng, vì xã hội”. Có ai ngờ hình ảnh một nhà thơ chân yếu tay mềm nhưng lại cứng rắn, mạnh mẽ, nghiêm túc với việc phường và nhiều hội văn học nghệ thuật khác.

Bà kể, có nhiều lần đi vận động chị em phụ nữ quyên góp tiền để gây quỹ từ thiện giữa trưa nắng. Dù ướt đẫm mồ hôi, nhưng chỉ cần mọi người hưởng ứng vì những hoàn cảnh bất hạnh là bà thấy khỏe ngay. Vì vậy, bà được bà con trong phường tín nhiệm, yêu thương.

Chính vì sự nhiệt huyết ấy mà trong nhà bà treo đầy bằng khen, giấy chứng nhận của phường, quận. Dù vậy bà không lấy thế mà tự phụ, tự kiêu. Bà chia sẻ thêm, công việc văn chương và báo chí đã giúp ích rất nhiều cho bà hoàn thành tốt nhiệm vụ ở phường. Chẳng hạn như khi cần tổ chức văn nghệ hay các hoạt động văn hóa ở phường, bà luôn được mời tham gia và cả việc làm thơ, viết văn góp vui chương trình.

Hay ngược lại, trong những chuyến giao lưu với hội của các phường, quận, tỉnh khác, bà luôn có đề tài mới mẻ để viết báo, sáng tác văn, thơ.
Tuy nhiên, không phải ôm đồm quá nhiều việc mà bà bỏ bê việc nhà. Bà bảo, không có việc gì khó, quan trọng mình biết sắp xếp sao cho có khoa học, thời gian hợp lý thì làm được tất cả.

Nhà thơ Ngọc Quế nhắn nhủ với lớp trẻ rằng: “Cuộc sống không được bao lâu, vì vậy lớp trẻ hãy sống và làm hết mình cho các hoạt động xã hội. Như vậy mới giúp ích cho nước nhà phát triển và phồn thịnh”

Đặng Trung Thành
(A1/70 đường Trần Đại Nghĩa, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM)

Theo Đời sống
back to top