<p style="text-align: justify;">Hiện nguồn cung nhà ở xã hội được đánh giá rất thiếu khi mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Trong khi đó, một số dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành lại đang lâm vào tình trạng ế ẩm dù mở bán đã lâu. Nghịch lý này phải chăng do sự phát triển “lệch lạc” của các dự án, sự chộp giật của các chủ đầu tư, đem đến hệ quả là sự lãng phí vô cùng lớn...</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Hàng ế nối dài…</strong></p> <p style="text-align: justify;">Dọc theo Đại lộ Thăng Long, Khu đô thị Sunny Garden City (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) có tổng diện tích 24,4ha do Công ty cổ phần Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch được phê duyệt, ngoài 323 căn nhà vườn và biệt thự, 72 căn nhà phố thương mại, khu đô thị này còn dành 10.528m<sup>2</sup> để xây dựng 2 tòa chung cư cao 9 tầng, diện tích từ 48 - 66m<sup>2</sup>/căn với tên gọi Bamboo Garden dành cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, trải qua gần 4 năm với 15 lần rao bán, trong tổng số 432 căn, đến nay, dự án này mới bán được 188 căn (tính từ đợt 1 - đợt 14), 86 căn hộ nhà ở xã hội để cho thuê chưa cho thuê được căn hộ nào.</p> <p style="text-align: justify;">Ngoài dự án trên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, một số dự án nhà ở xã hội khác trên địa bàn thành phố cũng rơi vào tình trạng bán chậm. Mỗi đợt rao bán, trung bình chỉ có khoảng 20-30 trường hợp đăng ký. Điển hình như Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu tái định cư Đông Hội (xã Đông Hội, huyện Đông Anh). Dự án này có tổng số 504 căn hộ, trong đó có 405 căn hộ để bán và 99 căn hộ cho thuê. Song, trải qua 4 lần rao, đến nay mới bán được 132 căn hộ và chưa cho thuê được căn nào. Tương tự, tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư với 4 khối nhà, 35 tầng nổi, 1.496 căn hộ diện tích từ 44 - 70m<sup>2</sup>, qua 8 đợt rao bán, chủ đầu tư mới bán được 617 căn...</p> <p style="text-align: justify;"><img alt="Một khu nhà ở xã hội ven Đại lộ Thăng Long vắng người ở dù xây xong đã lâu." src="https://khds.1cdn.vn/2019/01/16/m_t_khu_nha_o_xa_hoi_o_ven_dai_lo_thpng_long_v_ng_ng_i_d_xgy_xong___lgu_resize.jpg" title="Một khu nhà ở xã hội ven Đại lộ Thăng Long vắng người ở dù xây xong đã lâu." /></p> <p style="text-align: justify;"><em>Một khu nhà ở xã hội ven Đại lộ Thăng Long vắng người ở dù xây xong đã lâu.</em></p> <p style="text-align: justify;"><strong>Nhu cầu một nơi, xây nhà một nẻo?</strong></p> <div> <ul style="display: flex;"> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"> <p><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></p> </li> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"> <p><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></p> </li> </ul> </div> <p style="text-align: justify;">Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá đất và tiền sử dụng đất tại các khu vực gần trung tâm thành phố rất cao nên các chủ đầu tư không có khả năng phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân tại các khu vực này mà phải đi ra xa trung tâm thành phố. Khi mua nhà tại một dự án, người dân không chỉ cần một nơi để ở mà đó còn là nơi phải đáp ứng những nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông.</p> <p style="text-align: justify;">“Khi mua nhà xa trung tâm, hàng ngày, người dân vẫn phải di chuyển một quãng đường rất xa vào trung tâm thành phố để làm việc, con cái học hành. Hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế, quá tải, thường xuyên tắc nghẽn khiến họ không còn hào hứng với phân khúc nhà ở này”, ông Đính phân tích.</p> <p style="text-align: justify;">Nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng cho bổ sung thêm 3.000 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ của 205 dự án đang thiếu vốn. Đồng thời, kiến nghị cấp hơn 3.400 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay trong năm 2018.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Cần tránh sự lệch lạc</strong></p> <p style="text-align: justify;">Theo phân tích của TS. Nguyễn Minh Hoà - Giám đốc Diễn đàn quốc tế “Phát triển đô thị bền vững châu Á” tại Việt Nam, ở các nước trên thế giới, khái niệm nhà ở xã hội là loại nhà xây dựng không hướng đến mục đích kinh doanh mà hướng đến mục tiêu “xã hội”. Đó là những loại nhà dành cho những người không có khả năng mua nhà và không có nhu cầu sử dụng cầu kỳ (tạm hiểu là có chỗ cư trú). Họ là những người già không nơi nương tựa, vô gia cư, lang thang cơ nhỡ, người tật nguyền, phụ nữ đông con... mà chính quyền gọi là những người dễ bị tổn thương, thuộc nhóm yếu thế, không có khả năng hoặc không có nhiều khả năng sinh kế.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Không hiểu sao ở Việt Nam, nhà ở xã hội đã được đồng nhất với “nhà thu nhập thấp”.</strong></p> <p style="text-align: justify;">Nhận thức này đưa đến một hệ quả là những chính sách liên quan đến loại hình nhà ở này chưa sát thực tế và bị lợi dụng. Kết quả là người có thu nhập thấp thì không mua được nhà trong khi đó những nhà đầu tư khôn lỏi nắm được cơ hội, lợi dụng kẽ hở và dựa vào quan hệ để thu lợi khủng. Vậy là trong khi nhà đầu tư được hưởng lợi như không phải nộp thuế đất, thuế VAT bán căn hộ, tiền hỗ trợ địa phương (khoản này không hề nhỏ), được vay ưu đãi chưa kể những sai sót dễ dàng được cho qua và được cả tiếng thơm nữa. Nhưng loại nhà ở này có chất lượng quá tệ. Hoặc lại thuộc dạng nhà thu nhập thấp nhưng xây chất lượng tương đối và giá bán cao, từ 15-18 triệu trở lên/m<sup>2</sup>. Vậy là không có người thu nhập thấp nào với tới, thời gian sau chủ đầu tư sang sửa lại bán theo giá thương mại. Có một số dự án thoả mãn được yêu cầu của nhà thu nhập thấp nhưng người mua được lại không phải đúng đối tượng mà là những người khác, họ mua xong bán lại hưởng chênh lệch.</p> <p style="text-align: justify;">Do đó, Nhà nước nên phát triển nhà thương mại với nhiều cấp độ khác nhau (cao cấp, trung bình, thấp). Chủ đầu tư phải chịu tất cả các loại thuế, phí ban hành, Nhà nước thu đúng, thu đủ, sau đó lấy số tiền đó hỗ trợ ngược lại cho người mua nhà thuộc diện chính sách theo từng loại đối tượng. Cách này nhiều quốc gia đã thực hiện, như thế mới làm lành mạnh và minh bạch thị trường bất động sản.</p> <div> <div> <div> <p style="text-align: justify;"> </p> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> </div> <div> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> </div>