Hà Nội vừa chấp thuận giá mua từ Nhà máy Nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm. Mức giá này gấp đôi giá nước hiện tại người dân đang sử dụng của Nhà máy nước sông Đà.
Điều đáng lưu ý, tổng mức đầu tư của Nhà máy Nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hà, khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước.
Như vậy, khi sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước sông Đuống, mỗi người dân Hà Nội sẽ phải cõng nợ lãi suất thay doanh nghiệp với số tiền 2.003 đồng/m3/tháng. Theo nhiều ĐBQH, đây là mức phí vô lý và thiếu công bằng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: KH&ĐS. |
Trao đổi với PV KH&ĐS bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, mặt bằng giá nước phải được đảm bảo, không chỉ trên toàn quốc mà còn ở từng khu vực cũng phải đảm bảo chứ không thể để chênh lệch quá mức như hiện nay.
Nếu mức giá của Nhà máy nước mặt sông Đuống gây tranh cãi có cơ sở thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để kiểm tra, xem xét và minh bạch thông tin. Phải tính từ chủ trương đầu tư, thiết kế, công suất, các vấn đề có liên quan đến vốn và hoạt động công suất của nhà máy đó xem cách tính mức giá nước cho người dân như thế đã phù hợp chưa?
"Vì sao Hà Nội mua nước sông Đuống, vì sao bỗng nhiên bỏ ra 200 tỷ đồng để bù lỗ cho một doanh nghiệp?", ĐB Phạm Văn Hòa nêu vấn đề.
Nếu Nhà nước có bù lỗ cũng phải được cân nhắc, tính toán hợp lý tránh hiện tượng việc bù lỗ vô tình giúp doanh nghiệp đầu cơ về nguồn nước để tăng giá và thu lợi nhuận khủng.
“Cách tính giá nước gây tranh cãi như hiện nay hay việc Hà Nội bất chấp giá cao vẫn mua nước của dự án Nhà máy nước sông Đuống, không loại trừ có yếu tố sân sau’, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.