Nhà khoa học Việt tìm ra gene gây bệnh tăng nhãn áp

Ông là người Việt đã tìm ra gene đầu tiên gây bệnh tăng nhãn áp (glocom) - nguyên nhân chính gây mù lòa cho khoảng 70 triệu người trên thế giới, đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ. Ông là Nguyễn Đức Thái, Tiến sĩ tại Đại học California, Mỹ.

Rắc rối với 2 thùng nước đá

ts-thai-9.jpg
TS Nguyễn Đức Thái.

TS Nguyễn Đức Thái là người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1984 ông tốt nghiệp chuyên khoa cao học Dược Đại Học California, San Francisco (gọi tắt là UCSF). Dưới sự đào tạo của nhà sinh học phân tử nổi tiếng người Mỹ John D. Baxter, TS Nguyễn Đức Thái đã tham gia nhiều nghiên cứu tế bào học và di truyền học tại Mỹ, được trao trách nhiệm Trưởng phòng Thí nghiệm chuyên khảo cứu về bệnh tăng nhãn áp tại UCSF. Tại đây, ông tham gia giảng dạy, nghiên cứu và là cố vấn khoa học cho một số hãng dược phẩm về gen.

Những năm cuối thế kỷ 20, TS Nguyễn Đức Thái đã theo đuổi nghiên cứu tân sinh học về ngành phân tử. Thời điểm ấy, bệnh tăng nhãn áp là một trong những nguyên nhân chính gây mù lòa cho khoảng 70 triệu người trên thế giới, không phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, việc tìm kiếm di thể cho bệnh này đã rất khó khăn vì tính chất phức tạp của bệnh glocom. Do vậy, việc phát hiện ra gene TIGR của TS Nguyễn Đức Thái ngoài giá trị giải nghĩa bệnh lý, còn có gíá trị ứng dụng quan trọng.

Cùng nghiên cứu với TS Nguyễn Đức Thái còn có 2 đồng nghiệp JR Polansky và WD Huang. 3 người được chứng nhận bằng phát minh đầu tiên về gene bệnh tăng nhãn áp năm 1994, có hiệu lực toàn thế giới. Bằng phát minh mang tựa đề: "Phương pháp định bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh tăng nhãn áp và các bệnh liên hệ khác dùng gen TIGR". Đến nay gene TIGR vẫn là phương pháp đang được áp dụng để chẩn đoán di truyền của bệnh tăng nhãn áp.

Năm 1998, cùng với hai nhóm nghiên cứu về tế bào học và di truyền học, TS Nguyễn Đức Thái được trao giải thưởng Rudi Lewin 1998, giải thưởng cao nhất hằng năm của Mỹ về nghiên cứu nhãn khoa. Với những thành tựu này, ông là người Mỹ gốc Việt được giới truyền thông toàn thế giới như truyền hình CNN, The New York Times, American Press, Science, Nature, The Japan Times... đưa tin và phỏng vấn rầm rộ. Thời điểm đó ông được mời tham gia, tư vấn cho một số chương trình ở Nhật Bản và Hoa Kỳ với mức đãi ngộ cao.

Mặc dù định cư ở Mỹ và rất bận rộn nghiên cứu, nhưng ngay từ những năm 1994, ông thường xuyên về nước hỗ trợ sinh viên, giảng viên nghiên cứu. TS Nguyễn Đức Thái cho biết, những người làm khoa học ít tính toán thiệt hơn cho bản thân, thường chọn những điều có lợi ích cho xã hội để làm. Cũng chính vì điều đó, trong nhiều năm liền, ông thường xuyên qua lại hai nước, mỗi lần về đều “tha lôi” rất nhiều hóa chất, dụng cụ nghiên cứu, sinh phẩm. Ông tự nhận mình như chú kiến cần cù tha từng mẩu kinh nghiệm về để phụ giúp khoa học nước nhà trong những năm khó khăn thiếu thốn.

TS Nguyễn Đức Thái kể, lần nào về nước, ông cũng bị hải quan thắc mắc vì xuống máy bay với hai thùng nước đá. Trải qua rất nhiều khó khăn về thủ tục, xin xỏ từ an ninh sân bay đến bảo vệ, đối mặt với nhiều tình huống khó xử khác để được mang hai thùng nước đá “trót lọt”. Bên trong hai thùng nước đá không phải là những quà cáp, thuốc men mà là các sản phẩm sinh học, men enzym cùng nhiều hóa chất cần thiết để các giảng viên, bác sĩ trường y làm thực nghiệm, nghiên cứu. Cũng từ những thùng nước đá đó mà nhiều thế hệ học trò của ông sau này phát triển công nghệ PCR, phục vụ trong điều trị chữa bệnh ngày nay.

Hướng về nguồn cội

Mặc dù nhận được rất nhiều lời mời với mức đãi ngộ cao và đang là công dân Hoa Kỳ, nhưng năm 2011 TS Nguyễn Đức Thái quyết định trở về Việt Nam. Ông nhận định nếu tiếp tục ở nước ngoài thì chỉ có lợi ích cho bản thân, còn về nước, ông hy vọng có lợi ích chung cho cộng đồng. “Tôi không thấy khó khăn trong các chọn lựa đó, tôi thấy hạnh phúc, chinh phục được mục tiêu là quan trọng và thường cần rất nhiều nỗ lực. Chúng ta cần tạo một thế hệ khoa học trẻ mạnh mẽ với định hướng xã hội trong tương lai, chứ không phải chỉ lo cho sự nghiệp uy tín cá nhân”, TS Nguyễn Đức Thái chia sẻ.

TS Nguyễn Đức Thái cho rằng, ông cũng như nhiều nhà khoa học khác dù đi khắp chân trời và có đạt được thành tựu gì thì cũng luôn hướng về quê hương đất tổ. Họ sẽ về khi điều kiện làm khoa học ở Việt Nam phát triển hơn. Những người ở lại, họ cũng vẫn đi về Việt Nam mỗi năm, và mỗi lần về thăm quê, họ đều mang theo rất nhiều nguồn kiến thức, công nghệ, kỹ thuật để chia sẻ. Hiện nay, phương tiện liên lạc hiện đại nên các nhà khoa học Việt ở bất kỳ đâu đều có thể thường xuyên chia sẻ, đóng góp, cống hiến cho đất nước và huy động những mối quan hệ quốc tế để phát triển khoa học nước nhà. Vì vậy, ông sáng lập ra chuỗi hội thảo thường niên TransMed-VN nhằm làm cầu nối trao đổi kinh nghiệm y sinh giữa giới khoa học quốc tế và Việt Nam.

hoi-thao.jpg

Những năm gần đây, chuỗi hội thảo quốc tế TransMed-VN được nhiều người biết đến với nhiều sáng kiến, kinh nghiệm quốc tế hỗ trợ cho y học Việt Nam. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống Covid-19, hàng loạt các trao đổi, nghiên cứu, thành tựu y học quốc tế đã được tổ chức như: “Những khám phá mới của tế bào gốc và ứng dụng cho đại dịch Covid-19”, “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng TPHCM chống dịch”, “Chuyên gia kiều bào chung tay vượt qua đại dịch – văcxin made in Vietnam”... Thông qua đó, giới khoa học trong nước, giáo viên, sinh viên y khoa được tiếp cận với những kiến thức, thành tựu y khoa mới chống Covid-19 của các nước. Cụ thể như: Giải pháp “thần tốc” xét nghiệm PCR diện rộng MASA của Học viên Quân y; Văcxin Nanocovax; Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị Covid... và nhiều sáng kiến giải pháp khác đã được ông và cộng sự kịp thời đóng góp ý kiến, kích thích giới khoa học trong nước nghiên cứu.

Với chuyên môn cao về y sinh học và tâm huyết với khoa học nước nhà, TS Nguyễn Đức Thái là một trong số kiều bào được mời về nước tham gia tư vấn thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) tại Khu Công nghệ cao (CNC) TPHCM. TS Nguyễn Đức Thái tâm sự, sinh viên trong nước hiện nay rất giỏi và năng động; họ có những tiềm năng rất lớn cho phát triển khoa học tân tiến. Chuyện cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, theo tôi, không phải là một cản ngại chính. Khá nhiều bước tiến dài trong khoa học, kỹ thuật xuất phát từ điều kiện nghiên cứu thiếu thốn. Trường hợp như GS Herbert Boyer chẳng hạn. Không được tài trợ làm nghiên cứu, ông ấy mượn phòng thí nghiệm của người bạn để làm thí nghiệm. Làm khoa học cần tinh thần tự quyết, tự chủ, sáng tạo, nhằm sử dụng mọi nguồn lực một cách tối ưu. So với điều kiện làm việc của “cha đẻ” công nghệ sinh học thời đó, nhiều phòng thí nghiệm của Việt Nam hiện nay còn hiện đại hơn nhiều.

Về chính sách thu hút các nhà khoa học là kiều bào nước ngoài về đóng góp quê hương, tôi nghĩ Chính phủ nên đi thẳng vào những ưu - nhược điểm của thực tiễn nền khoa học trong nước. Thay vì lên kế hoạch trải thảm đỏ, đề xuất các ưu đãi, Chính phủ nên công bố cụ thể thông tin Việt Nam đang gặp phải vấn đề gì, cần những chuyên viên như thế nào để chung tay giải quyết… Đấy mới là những điều mà người làm khoa học có lòng với đất nước thực sự quan tâm. Giá trị lớn nhất, quan trọng nhất đối với họ là được làm những công việc thiết thực theo đúng sở năng và được thấy những đóng góp của mình hữu ích cho cộng đồng" -  TS Nguyễn Đức Thái.

Theo Đời sống
back to top