Giải phóng mình ra khỏi sự vô minh
Sự học khai phóng định nghĩa chính xác là gì, thưa ông?
Hiểu ngắn gọn nhất về sự học khai phóng là sự học giúp khai minh, giải phóng bản thân, giúp con người sáng trí. Giải phóng là hệ quả tất yếu của khai minh. Khi được khai minh thì con người sẽ giải phóng mình ra khỏi sự vô minh, ra khỏi sự giáo điều, ra khỏi sự ấu trĩ, tăm tối... Khai phóng là hành trình khai mở tâm trí, giải phóng tất cả tiềm năng của bản thân. Tiềm năng của con người rất lớn, nhưng mình không biết để khai phá.
Vì sao ông chuyển cách tiếp cận từ cách mạng giáo dục sang cách mạng sự học?
Để làm một cuộc cách mạng giáo dục mất vài chục năm, mình tôi khó mà xoay chuyển được, nhưng để thực hiện cách mạng sự học thì có thể bắt đầu bất kỳ lúc nào, không phụ thuộc vào bất cứ ai. Cách mạng sự học sẽ dẫn đến cách mạng bản thân, từ cách mạng bản thân sẽ dẫn đến cách mạng tổ chức, từ đó thay đổi xã hội theo hướng tiến bộ hơn.
Đâu là yếu tố quan trọng để một người bắt đầu thực học?
Nghe thì xa xôi, nhưng thực ra sự học bắt đầu từ sự tin tưởng. Fukuzawa Yukichi, một trong những nhà khai sáng mở đầu phong trào canh tân nước Nhật có nói một câu “Trời không sinh ra người đứng trên người. Trời không sinh ra người đứng dưới người. Tất cả do sự học mà ra”. Bạn tin vào số phận hay không, không quan trọng. Quan trọng là bạn có niềm tin thay đổi được số phận nếu mình muốn. Đó mới là niềm tin quan trọng dẫn đến động lực học và thay đổi bản thân. Học để nâng cấp, chuyển hóa bản thân trưởng thành. Khi đó sẽ thực học chứ không phải học để đối phó như chúng ta vẫn thấy.
Vậy nếu có niềm tin thay đổi được số phận thì bằng cách nào và bắt đầu từ đâu?
Bắt đầu từ thực học. Chỉ có học thực mới có thể làm thực, chỉ có làm thực mới có thể sống thực. Mong muốn lớn nhất của con người là sống thực, tức là sống tự do, tự tại, đúng với con người của mình. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Giờ người ta sống ảo nhiều hơn sống thực, vì họ không tạo ra được giá trị thực, nên phải sống ảo (ngụy tạo giá trị). Vậy tại sao không có giá trị thực? Vì không có thực lực, vì không học thực... Khi thế giới bên trong nhỏ, người ta phải sống với thế giới bên ngoài nhiều hơn. Còn khi thế giới bên trong của mình đủ lớn, mình sẽ sống với thế giới bên trong hơn là thế giới bên ngoài.
Nhưng nhiều người không có niềm tin thì sao?
Không phải đẻ ra là có niềm tin đó. Phải có những người khơi gợi được niềm tin này. Hiện nay, đa số chúng ta đều học một cách đối phó, làm việc đối phó, ít người sống đam mê, dấn thân. Đó là điều phải suy ngẫm.
Khơi dậy tinh thần khát học mới là yếu tố quyết định thành công
Tại sao nhiều người giỏi mà vẫn nghèo?
12 năm phổ thông để hình thành nền tảng văn hóa cơ bản. Đại học giúp người ta có cái nghề. Tuy nhiên, học giỏi thì mới chỉ có nền tảng văn hóa cơ bản thôi (tức là trí). Còn để thành công phải có đủ 4 khía cạnh là thân, tâm, trí, thần. Thân là một cơ thể khỏe mạnh, sáng suốt. Tâm là có tình yêu, lòng trắc ẩn. Thần là sự thoải mái, vui thích được làm điều mình muốn. Đó cũng là lý do vì sao học giỏi mà vẫn nghèo.
Làm thế nào để có động lực sống, khát khao thực học?
Người thầy bình thường dạy học sẽ chia sẻ kiến thức cho học trò. Người thầy giỏi sẽ chỉ cho trò cách học, tức là dẫn học trò tới biển tri thức mênh mông để học trò sẽ tự tìm hiểu. Nhưng người thầy lớn sẽ dồn tâm sức giúp học trò có động cơ học.
Ngạn ngữ phương Tây có câu “Đừng cho con cá mà hãy cho cần câu”. Nhưng câu này áp dụng xứ mình thì khéo cho cần câu người ta cũng bán cần nhậu luôn. Động cơ đi câu không có thì cho cần cũng như không. Nếu có động cơ khát khao tìm kiếm con cá thì không có cần câu người ta cũng sẽ kiếm lưới, kiếm nơm, kiếm vó để bắt. Cá ở đây là trí thức. Cần ở đây là cách học. Động cơ đi câu chính là tinh thần khát học. Làm sao khơi dậy cái tinh thần khát học mới là yếu tố quyết định thành công.
Nhưng không phải ai cũng gặp được những người thầy lớn?
Thực ra, điều mà tôi thích là tự lực khai phóng, chứ không trông chờ vào ai. Tức là bản thân mình có niềm tin vào thực học (tự học). Thực học sẽ giúp cho mình có thể thay đổi số phận của mình. Phải có đức tin đó! Chúng ta phải tự đặt câu hỏi: Học để làm gì? Làm để làm gì? Sống để làm gì? Nếu mình không học thì chỉ thấy một hai góc nhìn. Nhưng khi mình thực học, đọc, giao lưu thì mình sẽ biết hàng trăm góc nhìn khác về vấn đề đó. Khi biết được nhiều góc nhìn, cái đầu sáng hơn thì mình quyết định vấn đề nó sẽ khác.
Khi đi học, ông thích môn học nào nhất?
Tôi thích hai môn Lịch sử và Giáo dục công dân. Tôi tin hai môn này nếu gặp đúng thầy, các em sẽ rất thích học. Học sinh có thể quên nhiều môn khác nhưng kiến thức hai môn này sẽ đi theo các em cả đời. Giáo dục công dân giúp hình thành khung hành vi, đạo đức, kỹ năng sống... Còn bản năng con người ai cũng tò mò về quá khứ. Mọi thứ có thể thay đổi nhưng lịch sử thì không. Lịch sử là sự thật của quá khứ. Học sử là học cách khám phá đến gần với sự thật của đất nước, của thế giới. Chứ học sử mà học thuộc lòng thì khó mà thích được. Người thầy lớn là phải giúp cho học sinh từ ghét môn Sử thành mê môn Sử vì hiểu môn này có ý nghĩa gì với cuộc đời mình bây giờ và sau này.
Ông có nghĩ người thầy lớn nhất của chúng ta là chính bản thân mình?
Chắc chắn vậy rồi! Thứ giáo dục người khác trao cho mình nó nhỏ lắm. Cái giáo dục thứ hai là giáo dục tự thân, là cái giáo dục vĩ đại nhất. Đó là tự lực khai phóng. Tự lực ở đây không phải là không cần sự giúp đỡ của người khác mà là vẫn biết ơn sự giúp đỡ của người khác nhưng không ỷ lại, trông chờ mà nỗ lực khai mở tâm trí, giải phóng tiềm năng của mình.
Nhưng cụ thể một người muốn khai sáng thì cần những gì?
Muốn sáng thì phải đi qua 5 con đường: Sách sáng, thầy sáng, trả giá (thất bại), nhân vật cổ kim, kho tri thức internet. Tuy nhiên, không phải ai trải qua 5 con đường này cũng đều thành công. Nhưng những người thành công chắc chắn phải qua 5 con đường này.
Có một câu hỏi nhiều người đặt ra là làm thế nào cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
(Tủm tỉm) Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ làm điều đó. Bởi vì công việc chính là cuộc sống. Bước ra khỏi nhà đi làm là mình sống ở chỗ làm. Mình phải tìm được hạnh phúc trong công việc đó. Nếu mà không tìm thấy hạnh phúc ở nó thì nghĩa là cả ngày đi làm tối về mới sống. Cả tuần đi làm, cuối tuần mới sống. Thế thì sống ít quá! (Cười lớn) Phải sống 24/7 chứ!
Xin cảm ơn ông!
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED; Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ về Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore và Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học London (UCL). Trước đó ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện Sau Đại học Geneva và Tu nghiệp Chính sách giáo dục quốc tế tại Đại học Harvard. Ông đã khởi xướng và đóng góp rất nhiều sáng kiến cho giáo dục, được Diễn đàn Kinh tế thế giới vinh danh Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò hoạt động giáo dục.