<div> <p>Sau phiên giảm mạnh nhất từ sau Tết Nguyên đán 24/3, thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay trải qua ngày giao dịch giằng co. Ngay từ đầu phiên, VN-Index lấy lại sắc xanh nhưng rớt mạnh chỉ sau ít phút trước lực bán tăng cao. Chỉ số đại diện thị trường chạm đáy 1.154 điểm vào 9h51.</p> <p>Thị trường tiếp tục trạng thái đảo chiều liên tục và đạt mốc cao nhất trong ngày ở 1.171 điểm lúc 10h48 trước khi đóng cửa phiên sáng tại mốc 1.167 điểm. Trong phiên chiều, áp lực bán lại áp đảo, gần như xóa sạch nỗ lực hồi phục của thị trường.</p> <p>Chốt phiên 25/3, VN-Index dừng ở 1.163 điểm, chỉ tăng 1 điểm (0,1%) so với phiên hôm qua. Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với 245 mã giảm giá so với 205 mã tăng trên sàn HoSE.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="co phieu Vingroup anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/25/znews-photo-zadn-vn_vni.jpg" title="cổ phiếu Vingroup ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>VN-Index liên tục đảo chiều trong phiên 25/3. Ảnh: <em>VNDS.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Trong danh mục VN30, chỉ 12 cổ phiếu tăng giá. Trong số này, VIC (Vingroup) là mã tăng mạnh nhất 2% và đóng góp nhiều nhất giúp VN-Index giữ được sắc xanh hôm nay. Hai cổ phiếu trụ ngành ngân hàng gồm VCB (Vietcombank), CTG (Vietinbank) tăng nhẹ cùng với tân binh SSB (SeABank) tăng trần phiên thứ hai liên tiếp cũng góp phần kéo thị trường phục hồi.</p> <p>Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bluechip tiếp tục bị điều chỉnh và tác động tiêu cực lên thị trường chung gồm GVR (Cao su Việt Nam), VPB (VPBank), VHM (Vinhomes), HPG (Hòa Phát), VRE (Vincom Retail), ACB.</p> <p>Thanh khoản phiên hôm nay hạ nhiệt khi giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE giảm còn <abbr class="rate-vnd">13.531 tỷ đồng</abbr>. Các cổ phiếu dẫn đầu về giá trị giao dịch khớp lệnh là FLC với 55,5 triệu đơn vị, ROS (FLC Faros) - 33,1 triệu đơn vị, STB (Sacombank) - 28,7 triệu đơn vị, HPG - 19,9 triệu đơn vị.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="co phieu Vingroup anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/25/znews-photo-zadn-vn_cp_mua_rong.jpg" title="cổ phiếu Vingroup ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption default-caption"> <p>Các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất phiên 25/3 với tiêu điểm VIC. Ảnh: <em>VNDS.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Đặc biệt, khối ngoại hôm nay mua ròng với tổng giá trị <abbr class="rate-vnd">307 tỷ đồng</abbr> trên toàn thị trường. Đây là lần đầu tiên nhà đầu tư nước ngoài mua ròng sau hơn một tháng bán ròng liên tục từ phiên 19/2.</p> <p>Phiên 25/3 xuất hiện giao dịch thỏa thuận gần 7,5 triệu cổ phiếu VIC với giá trị <abbr class="rate-vnd">812 tỷ đồng</abbr> của nhà đầu tư ngoại. Theo chuyên gia của BSC, hiện tượng này có thể là dấu hiệu đón đầu việc quỹ Fubon FTSE của Đài Loan chuẩn bị giải ngân <abbr class="rate-vnd">8.000 tỷ đồng</abbr> vào thị trường chứng khoán Việt Nam.</p> <p>Nhờ giao dịch đột biến với VIC, khối ngoại mới đảo chiều từ bán ròng sang mua ròng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung xả hàng VNM, CTG, SSI, HPG.</p> <p>BSC nhận định VN-Index đang kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 1.160 điểm khi thị trường duy trì xu hướng đi ngang trong phiên hôm nay. Thanh khoản giảm nhẹ và độ rộng thị trường tiêu cực phản ánh tâm lý giao dịch cẩn trọng.</p> <p>Chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này dự báo VN-Index có thể tích lũy trong vùng 1.160-1.180 điểm và khuyến nghị nhà đầu tư mở vị thế ngắn hạn với một số cổ phiếu trong rổ VN30.</p> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> </div> <p> </p>