Nhóm nghiên cứu Hoàng Phương Hoa, Trường đại học bách khoa Đà Nẵng, Hồ Quang Nam, Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng đã nghiên cứu hiệu quả giảm chấn khi áp dụng gối con lắc một mặt trượt ma sát cho nhà nhiều tầng chống động đất. Gối con lắc một mặt trượt ma sát (SFP) được sử dụng trong nghiên cứu này.
Ý tưởng chính của kỹ thuật này là cách ly kết cấu bên trên với nền bằng cách sử dụng các gối mềm, gọi là gối cách chấn. Gối cách chấn có độ cứng chuyển vị ngang nhỏ, thông thường sẽ được lắp vào giữa phần móng và kết cấu bên trên để cách ly kết cấu với chuyển động nền đất, ngắt bớt nguồn năng lượng động đất truyền vào kết cấu. Kết cấu được gắn thiết bị này sẽ có chu kỳ cơ bản tăng lên, kết cấu được làm “mềm” đi. Với chu kỳ dao động của kết cấu được cô lập tăng lên sẽ giúp cho kết cấu tránh xa các vùng chu kỳ trội của các trận động đất, làm lệch vùng có thể cộng hưởng dao động của kết cấu, từ đó giảm tác động của tải trọng động đất vào kết cấu.
Thiết bị gồm có khớp trượt với bề mặt được phủ một lớp inox bóng có độ cong bám theo bề mặt của một phần bán cầu lõm thuộc bản thép trên khớp trượt làm bằng thép không gỉ và được đặt trên một bán cầu lõm, cũng được phủ bằng một loại vật liệu composite có hệ số ma sát thấp.