31 loại vi khuẩn gây bệnh
Theo các nhà nghiên cứu của trường Đại học Bắc Georgia - Mỹ, cho trẻ chơi trong các nhà bóng có thể lây nhiều bệnh từ vi khuẩn. TS Mary Ellen Oesterle, Đại học Bắc Georgia, đã kiểm tra những nhà bóng dành cho trẻ em trong các bệnh viện nhi ở Georgia và nhận ra rằng đây chính là thiên đường của vi khuẩn. Lý do là bởi những nơi này thường rất ít khi được dọn dẹp. Trẻ em nô đùa, nằm, cầm trên tay và ném vào nhau những trái bóng màu sắc đẹp mắt nhưng lại ẩn chứa hàng triệu triệu vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Các nhà khoa học đã phát hiện trong những trái bóng có tới 31 loại vi khuẩn, ít nhất 9 loại có khả năng khiến trẻ bị bệnh nguy hiểm. Ví dụ vi khuẩn liên cầu đường ruột Enterococcus faecalis có thể gây viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm màng não; vi khuẩn Staphylococcus hominis gây nhiễm trùng máu; vi khuẩn Acinetobacter lwofii gây viêm phổi, viêm màng não, đường tiết niệu và nhiễm trùng da.
TS Vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết, kết quả nghiên cứu này hoàn toàn có cơ sở. Rất nhiều phụ huynh vô tư cho con chơi nhà bóng mà không biết rằng nguy cơ nhiễm khuẩn từ trò này là rất cao. Lần lượt hết đứa trẻ này đến đứa trẻ khác chơi, mồ hôi, bụi bẩn, đủ thứ bám vào quả bóng. Chắc chắn những quả bóng sặc sỡ này có dính vi khuẩn, virus, nấm mốc, bào tử… lâu ngày được lưu lại. Khi trẻ chơi, nằm, nghịch bóng, khả năng nhiễm khuẩn là rất cao, nhất là virus sởi.
“Đó là chưa kể những quả bóng màu sắc sặc sỡ đều là bóng nhựa, sử dụng các loại hóa chất như chất hãm màu, chất tạo màu… rất có hại nếu trẻ tiếp xúc”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.
Bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn
Nhiều người cho rằng, để trẻ không bị lây bệnh sau khi đi chơi ở nhà bóng, nhà phao, cầu trượt, bố mẹ cần rửa tay, tắm sạch sẽ rồi thay quần áo cho trẻ. Việc làm này sẽ có thể hạn chế các vi khuẩn có hại ẩn náu và phát triển trên người trẻ. Lựa chọn những khu vui chơi sạch sẽ, thoáng đãng cho trẻ. Sau khi đi chơi về mà trẻ có những vết thương hở thì nên sát trùng và bôi thuốc ngay. Tuy nhiên, việc này không dễ áp dụng bởi rất khó để cứ sau khi chơi ở nhà bóng thì thay quần áo, tắm giặt vì đôi khi trẻ còn chơi nhiều trò khác nữa, hoặc phải chờ đến giờ thì bố mẹ mới tắm cho con.
Theo TS Nguyễn Văn Khải, ở bể bơi, vài trăm người ngụp lặn trong nước cũng ô nhiễm, nhưng sau khi bơi, ai cũng tắm sạch. Việc tắm sạch đó sẽ loại bỏ được các khả năng lây nhiễm. Trong khi với nhà bóng, có khi trẻ nô đùa cả ngày, đến chiều tối mới tắm. Khoảng thời gian này đủ để virus sinh sôi, ủ bệnh. Do đó, tốt nhất không cho trẻ chơi trong nhà bóng để tránh những nguy cơ.
Nên chọn cách cho con mình chơi xúc cát, trồng cây, chơi các trò chơi ngoài trời. Chân tay có thể lấm bẩn, nhưng chỉ cần rửa là sẽ sạch, ít có khả năng lây nhiễm các loại vi khuẩn, virus có hại cho sức khỏe.
“Chơi nhà bóng là trò chơi phản khoa học, mất vệ sinh, nguy hiểm”, TS Nguyễn Văn Khải.