Trong tiết trời mùa đông giá lạnh, nhất là những ngày lạnh sâu, khi nhiệt độ hạ xuống thấp dưới 10 độ C, việc sử dụng các thiết bị sưởi là cực kì cần thiết để giữ ấm cơ thể, bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, có một thực tế, không ít người đã mắc sai lầm trong quá trình sử dụng, khiến những thiết bị tưởng như có lợi này lại gây nên những hiểm họa khôn lường.
Mới đây, vào tối 8/12, hai vợ chồng tại Quảng Nam đã đốt lò than tổ ong rồi đặt dưới gầm giường để sưởi ấm cho con trai. Do sợ gió lùa, cả hai đã đóng kín cửa. Hậu quả là khi người nhà phát hiện vào trưa 9/12, bé trai 13 tháng tuổi tử vong, hai vợ chồng ngất lịm, hơi thở yếu, phải điều trị khẩn cấp tại bệnh viện tỉnh. Sự việc này, một lần nữa cảnh báo việc tự ý sưởi ấm bằng bếp than tổ ong mà không có hiểu biết cần thiết.
Sau đây là những nguyên tắc quan trọng cần nhớ khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm khi trời trở lạnh.
1. Không sử dụng bếp than để sưởi ấm
Những hộ gia đình không có điều kiện sử dụng điều hòa, máy sưởi thường chọn bếp than củi hoặc than tổ ong làm dụng cụ sưởi ấm trong mùa đông. Đây là cách sưởi ấm cực kì nguy hiểm.
Than tổ ong vô cùng độc hại khi dùng đun nấu và sưởi ấm (Ảnh minh họa: Internet)
Khi sử dụng than để sưởi ấm trong phòng kín, than cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra khí CO (các-bon mô-nô-xít) cực độc. Đây là loại khí không màu, không mùi, không gây kích thích nên nạn nhân thường không biết mình bị ngộ độc, cứ thế ngất lịm đi, không có khả năng gọi cấp cứu. Nạn nhân hít phải khí CO thường sẽ bị tổn thương não và tim, nhẹ thì mắc các bệnh hô hấp, để lại di chứng thần kinh – tâm thần, nặng hơn có thể tử vong. Bên cạnh đó, dùng than để sưởi có thể làm tăng nguy cơ gây hỏa hoạn và bỏng.
Nếu bắt buộc phải sử dụng than để sưởi, nên chú ý: không dùng trong phòng kín, nên để hé cửa sổ để có lối thoát khí, không dùng khi nhà có người già, trẻ em, không để gần những vật dễ bắt lửa, chỉ nên sử dụng tối đa 1 giờ, sử dụng các loại than sinh nhiệt an toàn.
2. Đặt chậu nước trong phòng
Sử dụng thiết bị sưởi ấm trong phòng khiến không khí trở nên khô nóng hơn, rất dễ ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, việc tăng độ ẩm trong không khí là rất cần thiết. Máy phun hơi ẩm là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, cần lưu ý vệ sinh thường xuyên khi sử dụng thiết bị này để tránh vi khuẩn, bụi bẩn theo hơi nước phát tán vào không khí. Đơn giản hơn, có thể đặt một chậu nước nhỏ trong phòng, hơi nước từ chậu sẽ giúp làm ẩm không khí.
3. Mở hé cửa và bật quạt thông gió
Quan niệm sai lầm mọi người hay mắc phải trong mùa đông là 'càng kín càng ấm'. Sự thật, một căn phòng thường xuyên đóng cửa trong thời gian dài khiến không khí không thể lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi phát triển. Để hạn chế tình trạng này, nên dùng quạt thông gió khi bật điều hòa, lò sưởi. Ngoài ra, cũng không nên bật điều hòa, máy sưởi liên tục 24/24 và từ ngày này qua ngày khác. Trong ngày, nên tranh thủ thời gian không ở trong phòng, tắt thiết bị sưởi, mở tất cả các cửa, tạo điều kiện cho không khí được tái tạo.
4. Không sử dụng túi sưởi, chăn điện khi đang sạc
Với ưu điểm giữ ấm tốt, nhỏ gọn, dễ sử dụng, túi sưởi và chăn điện được khá nhiều người lựa chọn cho mùa đông giá lạnh. Tuy nhiên, cũng giống như các thiết bị điện khác, nếu không sử dụng đúng cách, túi sưởi và chăn điện có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Thực tế đã có không ít trường hợp bị điện giật hay bị bỏng.
Tuyệt đối không sử dụng túi khi đang cắm điện (Ảnh minh họa: Internet)
Để đảm bảo an toàn, không nên tham rẻ mua loại túi sưởi, chăn điện không có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý: tuyệt đối không sử dụng túi khi đang cắm điện, khoảng cách an toàn khi đang cắm điện là cách xa người 2m, kiểm tra túi, chăn điện trước khi cắm xem có bị rách hay rò rỉ nước hay không, để túi, khăn điện trên bề mặt phẳng khi sạc điện, không nên cắm điện quá lâu.
5. Đặt nhiệt độ phù hợp
Các chuyên gia khuyến cáo nhiệt độ chênh lệch giữa trong phòng và ngoài trời không nên quá 10 độ C. Với thời tiết mùa đông ở Việt Nam, nhiệt độ thích hợp nhất là khoảng 20-25 độ C. Nếu để nhiệt độ quá cao, không khí sẽ trở nên khô nóng, làm da bị mất nước, có thể dẫn đến hiện tượng nẻ, nứt da. Nguy hiểm hơn, chênh lệch nóng – lạnh quá lớn dễ gây ra các bệnh về hô hấp, thậm chí là sốc nhiệt, nguy cơ tai biến đối với người cao tuổi.
Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để tránh bị sốc nhiệt với nhiệt độ bên ngoài (Ảnh minh họa: Internet)
Hà Vân