Diệt ruồi, không để rác ứ đọng
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, ruồi nhà, tên tiếng Anh là the house fly và tên khoa học là Musca domestica L., một loài côn trùng sống gần người, phân bố chủ yếu ở vùng nông thôn, cảng cá và ven đô thị châu Á, nơi chăn nuôi gia súc. Ruồi phát triển trong phân người, gia súc, bãi rác, chất hữu cơ thối rữa… Do vậy các bộ phận chân, thân, cánh ruồi dễ bị nhiễm khuẩn hay mầm bệnh, nên chúng là tác nhân chính gây bệnh tả, lỵ, thương hàn và các bệnh giun sán, nấm…
Ruồi nhà là côn trùng biến thái hoàn toàn với 4 giai đoạn phát triển: trứng, ấu trùng (dòi), nhộng và ruồi trưởng thành. Trứng nở trong khoảng 8 - 48 giờ sau khi đẻ và gọi là dòi. Dòi mềm, trắng, không chân, chúng tránh ánh sáng và tìm kiếm nhiệt độ tối ưu 45- 500C. Ấu trùng tuổi 3 (sau 3 lần lột xác) sẽ hóa nhộng, rồi vũ hóa thành ruồi trưởng thành.
Ruồi nhà sống trong môi trường nhiều chất thải hữu cơ (phân, rác, xác động vật chết …). Do vậy phòng chống ruồi nhà không có hiệu quả nếu “nhà mình sạch, nhà hàng xóm bẩn”. Diệt ruồi nhà có hiệu quả nhất và bền vững là “phong tỏa”, nghĩa là triệt tiêu tất cả và triệt để những nơi tồn tại các chất hữu cơ thối rữa (để dòi không có chỗ sinh sống). Vệ sinh sạch sẽ là cần thiết để giới hạn những ổ đẻ tiềm tàng và nguồn thực phẩm của ruồi. Những chất thải ở trong nhà phải được chứa ở những thùng có nắp đậy kín và đổ rác sớm. Những chất có nguy cơ chứa mầm bệnh phải được bọc kín và đốt cháy. Rác bỏ phải được chôn sâu ít nhất 20cm, phủ đất lên trên và nện chặt. Điều này sẽ đẩy mạnh nhiệt độ lên men, làm dòi không thể sống sót. Phân bón ở trang trại phải được giữ càng khô càng tốt, đặc biệt khu chăn nuôi, để nước rơi rớt, có thể cung cấp những điều kiện ẩm ướt để ruồi đẻ.
Các gia đình ở thành phố có thể dùng lưới che ruồi (mắt lưới khoảng 1,18mm), cửa tự động kết hợp với tấm đập giẹp bằng cao su có thể phòng chống ruồi trưởng thành vào nhà. Cũng có thể dùng bẫy dính ruồi, treo ở những nơi ruồi thường tập trung.
Không có nước thì không có muỗi
GS Bùi Công Hiển cho biết, các loài muỗi, đặc biệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường gây ra các vụ dịch ở những nơi đông dân và kém vệ sinh môi trường. Muỗi truyền bệnh rất thích đẻ trứng vào chỗ nước sạch hay nước mưa, ngay một chén nước nhỏ, một lọ cắm hoa, một đĩa nước chống ẩm trong phòng điều hòa, một vũng nước nhỏ ở mái che, ban công… thậm chí ở khay đựng bát đĩa trong bếp còn đọng nước. Có thể nói không có nước thì muỗi không tồn tại.
Một đặc điểm nữa cần lưu ý là bọ gậy và cung quăng (giai đoạn trước trưởng thành của muỗi) thường chỉ sống ở nước ngọt (nồng độ muối thấp) và phải thường xuyên ngoi lên mặt nước để thở. Do vậy, để diệt bọ gậy và cung quăng người ta có thể dùng muối hòa vào trong nước hay dùng dầu ăn, dầu nhớt… tạo một lớp màng trên mặt nước.
Những nơi ao hồ, nước tù đọng cần có sự chung tay của cộng đồng cư dân tổng vệ sinh thường xuyên. Những bể nước ngầm cần thả cá để ăn bọ gậy. Ngoài ra có thể dùng bẫy đèn bắt muỗi, vợt muỗi.. Có nghĩa là tùy theo môi trường từng nơi, từng không gian cụ thể để có biện pháp phòng chống chủ động, cụ thể và phù hợp. Có điều tuyệt đối không nên ỷ lại vào việc phun thuốc muỗi của cá nhân hay tổ chức y tế.