Cần sơ đồ thiết kế
KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, Đống Đa, Hà Nội cho biết, phòng tắm là nơi có rất nhiều thiết bị điện như đèn, bình nóng lạnh, quạt thông gió… vì thế việc đảm bảo an toàn điện cho một nơi ẩm ướt và nhạy cảm như phòng tắm là vô cùng quan trọng.
Muốn an toàn điện cho phòng tắm, đầu tiên phải xác định an toàn từ ngay khâu thiết kế. Hiện nay, thiết kế điện có hai loại là đi nổi và đi chìm (ngầm trong tường), mỗi loại có ưu và nhược điểm riêng.
Với phòng tắm, tốt nhất nên chọn phương án đi ngầm trong tường với các dây dẫn điện được bảo vệ cẩn thận trong ống gen. Lý do là vì phòng tắm thường xuyên ẩm ướt, nước có thể bắn lên khi tắm hay khi cọ rửa, vệ sinh phòng tắm, hoặc khi tay chân ướt mà vô tình tiếp xúc với dây điện bị rò hở thì nguy cơ giật điện là rất cao.
Đi ngầm đường điện không những đảm bảo tính thẩm mỹ mà còn là cách tốt nhất để tránh giật điện do va chạm hoặc nước vào đường dây.
Ngoài ra, nên sử dụng dây điện và ống gen đảm bảo tiêu chuẩn về độ bền, cách điện. Một điểm cần đặc biệt lưu ý nữa là hệ thống đường điện đi ngầm trong tường cần có sơ đồ thiết kế cụ thể và được lưu giữ lâu dài, tạo thuận lợi cho sửa chữa điện nước, nâng cấp và lắp đặt thiết bị sau này.
Rất nhiều người cho rằng phòng tắm là khu phụ nên không chú ý đến khâu vẽ sơ đồ điện. Chính vì vậy, khi hỏng hóc hoặc lắp đặt thêm thiết bị gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm.
Lắp đặt thiết bị an toàn
Việc lắp đặt đèn, máy giặt, đèn sưởi, bình nước nóng, quạt thông gió… đảm bảo an toàn là không quá khó. Đối với đèn, nên lựa chọn loại đèn trần có chụp bảo vệ, thay vì sử dụng các loại đèn treo. Ngoài ra, các loại đèn này nên thiết kế công tắc đèn bên ngoài cửa và chỉ sử dụng khi tay đã khô hoàn toàn.
Thiết kế đường điện cho phòng tắm cần đảm bảo nguyên tắc an toàn
Việc sử dụng an toàn cũng cần được người dân lưu ý:
– Hãy đảm bảo chỉ sử dụng công tắc, ổ cắm khi tay không dính nước.
– Khi sử dụng nước cần tránh để không làm nước bắn vào các thiết bị điện.
– Bật bình nước nóng trước khi sử dụng khoảng 15 phút và ngắt nguồn điện khi sử dụng.
– Không nên mang bất cứ thiết bị sử dụng điện cầm tay nào vào phòng tắm và hãy tắt hết các thiết bị điện trong phòng tắm khi không sử dụng đến chúng.
Theo KS Trương Văn Hùng
Đèn sưởi nên treo trên cao, giúp giảm tình trạng tiếp xúc nước. Phải đảm bảo đèn được để cách xa tầm với khoảng 50 cm, không để đèn sưởi gần đồ dễ cháy như giấy vệ sinh, khăn mặt, khăn tắm…
Quạt thông gió nên lắp đặt ở vị trí cao; chọn loại quạt có vỏ nhựa, có bộ cảm ứng nhiệt, tự động ngắt khi quạt quá nóng.
Với máy sấy tóc, máy cạo râu, tốt nhất không nên dùng trong nhà tắm. Trong trường hợp bạn vẫn muốn sử dụng ổ cắm dành cho máy cạo râu, máy sấy tóc… nên đặt nó ở vị trị cao, khô ráo, tránh xa bồn tám, vòi hoa sen để nước không bắn vào hoặc có thể sử dụng loại ổ cắm có nắp đậy bảo vệ khi không sử dụng.
Đặc biệt đối với bình nước nóng sử dụng điện, nên lắp đặt loại bình nước nóng có chức năng tiết kiệm điện, an toàn, chống dò điện; phải nối tiếp đất khi lắp đặt vào mạng điện gia đình, để đảm bảo an toàn cho thiết bị điện và người sử dụng.
Với máy giặt, tốt nhất không nên đặt máy giặt trong nhà tắm. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải đặt máy giặt trong nhà tắm, bạn cần thiết kế góc để sao cho hạn chế tối đa sự xâm nhập của nước bằng cách chọn chỗ khô ráo nhất trong phòng tắm, làm bệ đỡ cao hơn hẳn so với mặt sàn và dùng các miếng bọc máy giặt để che chắn nước.
Huy Khánh