Bia trong Văn miếu có ghi tên Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ.
3 lần đi sứ
Nguyễn Như Đổ tự Mạnh An, hiệu Khiêm Trai, nguyên quán xã Đại Lan, huyện Thanh Đàm, nay là thôn Đại Lan xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trú quán xã Tử Dương, huyện Thượng Phúc, nay là thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín.
Ông là bác của Nguyễn Như Huân, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Dần, niên hiệu Diên Ninh 5 (1458) đời Lê Nhân Tông. Làm quan đến chức Thừa chính sứ.
Năm 19 tuổi, Nguyễn Như Đổ đỗ Hội nguyên đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) đời Lê Thái Tông.
Ba lần được cử đi sứ sang nhà Minh, lần thứ nhất vào năm Quý Hợi (1443), lần thứ hai vào năm Canh Ngọ (1450) và lần thứ ba vào năm Kỷ Mão (1459). Làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, hàm Thiếu bảo.
Tại kỳ thi Hội, Nguyễn Như Đổ đỗ Hội nguyên nhưng vào thi Đình thì đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ (Bảng nhãn), chỉ xếp sau Nguyễn Trực. Một năm sau Nguyễn Như Đổ được giao trọng trách chế cáo trong Viện Hàn lâm rồi được cử đi sứ nhà Minh.
Năm Canh Ngọ (1450), ông đi sứ lần thứ 2, trong chuyến đi này Nguyễn Như Đổ cùng những người đứng đầu sứ bộ gồm Nguyễn Nghiêu Tư, Lê Cảnh Huy và Hoàng Thanh biện bạch với vua tôi nhà Minh yêu cầu không phải cống ngọc trai nữa.
Khi về nước Nguyễn Như Đổ được thăng chức Trực học sĩ. Năm Kỷ Mão (1459) ông lại được vua Nghi Dân ( Nghi Dân là anh vua Nhân Tông, đang đêm bắc thang vào trong cung giết vua và Tuyên từ Hoàng Thái hậu, tự lập làm vua, nhưng chỉ 8 tháng sau bị các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt giết bọn phản nghịch, giáng Nghi Dân xuống tước hầu) cử đi sứ nhà Minh lần thứ ba. Sau khi về nước được phong làm An phủ sứ lộ Quy Hóa.
Vị Bảng nhãn có tuổi thọ cao nhất
Dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), Nguyễn Như Đổ được phong chức Lại bộ Thượng thư vào tháng 12 năm Canh Thìn (1460) kiêm thêm chức Tả ty sảnh Môn hạ, Tả gián nghị đại phu, coi sổ sách quân dân ở Bắc Đạo, kiêm Thừa chỉ học sĩ Viện Hàn lâm.
Sau đó Nguyễn Như Đổ lại kiêm cả Thượng thư bộ Lễ, đại học sĩ điện Càn Đức, rồi được giữ chức Đề hiệu trong hai kỳ thi Hội năm Bính Tuất (1446) và Kỷ Sửu (1469)…
Nguyễn Như Đổ không chỉ là một người giỏi văn chương mà còn thể hiện tài năng ở võ bị. Ông từng theo vua đi đánh Chiêm Thành. Cuối sự nghiệp quan trường, ông lại được cử giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám trong 10 năm để chăm lo sự nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước sau đó ông mới về trí sĩ.
Năm Ất Dậu (1525) đời vua Lê Cung Hoàng (1522- 1527), Nguyễn Như Đổ mất tại quê hương, hưởng thọ 102 tuổi. Ông là vị Bảng nhãn có tuổi thọ cao nhất nước ta.
Nguyễn Như Đổ là người văn thơ nổi tiếng, tiếc rằng các sáng tác của ông bị mất mát nhiều, hiện nay chỉ còn lại một số bài thơ chép trong Hoàng Việt thi lục, khi nhận xét về thơ của ông, Phan Huy Chú trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Bảng nhãn họ Nguyễn ở Lan Châu là người đỗ Khôi nguyên lúc mới khai quốc, văn chương có tiếng ở đời”
Trong phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú còn đánh giá Nguyễn Như Đổ là một trong 18 người có công lao phò tá tài đức thời Lê Sơ (1428- 1527): “Ông lúc trẻ khi đỗ Khôi nguyên, khi lớn làm quan to lên được cõi thọ trăm tuổi (102 tuổi), trải qua 8 triều vua, cũng là một sự ít có trong hoạn đồ”.
Tám triều vua đó là: Lê Nhân Tông (1443- 1459), Lê Thánh Tông (1460- 1497), Lê Hiến Tông (1497- 1504), Lê Túc Tông (1504), Lê Uy Mục (1505- 1509), Lê Tương Dực (1510- 1516), Lê Chiêu Tông (1516- 1522) và Lê Cung Hoàng (1522- 1527).
Chí Đức