Hà Nội trong top ô nhiễm nhất thế giới
Trong nhiều ngày liên tục, các ứng dụng đo chất lượng không khí đều cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội. Ngày 22/2, Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual) áp dụng cách tính AQI của Mỹ cảnh báo ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở ngưỡng màu nâu, giá trị AQI là 328, đây là mức nguy hại cho sức khỏe. Air Visual xếp Hà Nội đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí. Sang ngày 23/2, Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí dù chất lượng không khí được cải thiện về ngưỡng màu tím, giá trị AQI là 234.
Theo thống kê của Tổng cụ Môi trường, trong 2 tháng đầu năm 2020, tiếp tục có những diễn biến xấu về chất lượng không khí ở một số đô thị khu vực miền Bắc và miền Nam, đặc biệt là tại Hà Nội. Số liệu quan trắc cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi mịn PM2.5. Tại một số đô thị khu vực miền Bắc (Việt Trì, Hà Nội, Hạ Long), giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất. Theo thống kê, tại Hà Nội, chỉ có 7 ngày chất lượng không khí ở mức tốt (AQI<50), 6 ngày chất lượng không khí ở mức xấu (AQI>150), những ngày còn lại chất lượng không khí nằm ở mức từ trung bình đến kém.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, đợt ô nhiễm xảy ra đúng vào thời điểm trẻ em vẫn đang nghỉ học, lượng người tham gia giao thông không tăng đột biến cho thấy nguồn ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, các làng tái chế xung quanh Hà Nội rất đáng lo ngại. Các điểm ô nhiễm đột biến lên ngưỡng nâu có thể gần nơi đang có hoạt động đốt ngoài trời. Điều này phản ánh nguyên nhân của ô nhiễm không khí không hoàn toàn từ các phương tiện giao thông.
Cần cấm hoạt động đốt ngoài trời
Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi các tỉnh phía Bắc, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất, cần đưa thêm hành vi đốt rơm rạ, đốt than tổ ong vào danh sách các hành vi cấm trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Ở Việt Nam đang có một số hoạt động không chịu sự quản lý và không kiểm soát được như hoạt động đốt rác thải, rác sinh hoạt, đốt rơm rạ, hoạt động của làng nghề thủ công. Các hoạt động này gây “nhiễu” trong việc đánh giá kiểm kê các nguồn thải khác.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, hoạt động đốt ngoài trời đã được nhiều nơi như Singapore, Hồng Kông cấm. Để cấm hoạt động này, họ có định nghĩa rõ ràng về hoạt động đốt ngoài trời không kiểm soát. Luật Bảo vệ Môi trường hiện tại (đã qua 3 lần sửa đổi) nhưng còn chung chung với các nguồn ô nhiễm khác nhau, chưa đi sâu và cụ thể vào quản lý ô nhiễm không khí, thiếu công cụ quản lý hiệu quả và phân tán trách nhiệm đối với các nguồn khí thải, mức xử phạt không đủ tính răn đe. Tới đây, cần phải quy định thành luật, cấm các hành vi đốt ngoài trời như rơm rạ, than tổ ong…
Ngay một số điều đã được nêu rõ trong luật nhưng thực thi không tốt như quy định về kiểm kê khí thải, đăng ký các nguồn thải khí. Cho đến nay vẫn không biết được có bao nhiêu cơ sở sản xuất phát thải khí thải, vẫn chưa có văn bản dưới luật quy định phương pháp kiểm kê khí thải. Do đó các địa phương chưa thực hiện kiểm kê khí thải, vẫn không biết những nguồn ô nhiễm nào là chính để có các chính sách kiểm soát cần thiết.
Bảo Khánh
Box
Theo tổng hợp của Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2020, kết quả quan trắc cho thấy, có một số khoảng thời gian giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 tăng rất cao (vượt từ 02 - 03 lần giới hạn cho phép tại QCVN), như các ngày 01/01, 13/01, 14/01, 02/02 và 20/2 . Từ ngày 14/02/2020 đến 21/02/2020, kết quả quan trắc cho thấy, giá trị thông số PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong ngày 20/2 và 21/2 giá trị PM2.5 rất cao, vượt gần 3 lần giới hạn cho phép tại QCVN.