Nguyên mẫu trực thăng trinh sát tấn công RAIDER X có thể là máy bay tương lai của quân đội Mỹ

(khoahocdoisong.vn) - Quân đội Hoa Kỳ đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình phát triển trực thăng chiến đấu hiện đại, tốc độ cao, với hy vọng trong tương lai gần có thể thay thế các trực thăng trinh sát tấn công đã lão hóa.

Là một phần của chương trình hiện đại hóa phương tiện cất cánh thẳng đứng trong tương lai (Army’s Future Vertical Lift) của Quân đội, cuộc đua thiết kế, chế tạo và thử nghiệm Nguyên mẫu Trực thăng Trinh sát Tấn công Tương lai (FARA) của các nhà thầu quốc phòng đang tiến triển trước thời hạn và cho kết quả vượt quá mong đợi.

Phương tiện bay chiến trường này sẽ hoạt động trong các môi trường đòi hỏi những tính năng kỹ chiến thuật khắt khe nhất, có hiệu suất chiến đấu tối đa trong một cấu trúc có kích thước nhỏ gọn. Quân đội Mỹ gọi FARA là một “Kiếm sĩ” chiến trường tương lai.

Đến nay, Cơ quan quản lý các dự án của Quân đội đã thu hẹp số lượng các nguyên mẫu ứng viên cho Trực thăng Trinh sát Tấn công Tương lai (FARA), sẽ thay thế trực thăng trinh sát tấn công Kiowa OH-58D và một số phi đội trực thăng Apache.

Trong số 2 nguyên mẫu trực thăng ứng viên vào giai đoạn 2 của chương trình FARA, chiếc RAIDER X, được phát triển bới công ty Sikorsky thuộc tập đoàn Lockheed Martin. Máy bay phát triển  trên Công nghệ Sikorsky X2 và rất được các chuyên gia không vận quân đội Mỹ quan tâm.

Phi công chiến đấu Bill Fell, lần đầu tiên bay trên chiếc trực thăng Sikorsky X2 Technology ™ đã nhận thấy cuộc chơi của các máy bay trực thăng đã thay đổi cơ bản và mãi mãi.

Nguyên mẫu trực thăng X2 có tốc độ lớn hơn 250 hải lý / giờ (465 km/h), khả năng cơ động với góc nghiêng đến 60 độ ở cả tốc độ thấp và tốc độ cao. Khả năng bay treo ở độ cao và trong điều kiện nhiệt độ nóng, ngoài ra còn có nhiều các tính năng kỹ thuật tiên tiến khác.

Nguyên mẫu trực thăng trinh sát tấn công RAIDER X

Nguyên mẫu trực thăng trinh sát tấn công RAIDER X

Fell, phi công lái thử nghiệm chiếc X2 của công ty Sikorsky của Lockheed Martin, nhà phát triển công nghệ X2 Technology ™ nhận xét: những tính năng cơ bản này khiến chiếc trực thăng bay giống như một máy bay phản lực chiến thuật hơn là một máy bay động cơ cánh quạt cổ điển.

“Kết hợp công nghệ X2 với thiết kế đồng trục Sikorsky, hàng không quân sự đã có được máy bay tương lai của phương tiện cất cánh thẳng đứng” - phi công Bill Fell nhận xét.

Tại AUSA, vào tháng 10.2019, Sikorsky cho biết, RAIDER X ™ - là câu trả lời cho yêu cầu của Quân đội Mỹ về một Trực thăng Trinh sát Tấn công Tương lai (FARA).

Thiết kế và công nghệ trực thăng thông thường dựa vào khả năng bay treo và cơ động tốc độ thấp trong nhiều thập kỷ. Những tính năng kỹ thuật này rất cần thiết, nhưng công nghệ máy bay trực thăng không theo kịp với nhu cầu phát triển của quân đội và dân sự.

X2 đã chứng minh được là công nghệ hoàn thành chính xác với tên đặt ra: tăng hai lần tốc độ, hai lần khả năng cơ động so với máy bay động cơ cánh quạt thông thường, cùng với nhiều các lợi thế khác, bao gồm những cải tiến đáng kể về giảm tiếng ồn và khả năng sống còn. Công nghệ X2 hiện trở thành công nghệ hàng đầu cho tương lai của các phương tiện bay cất cánh thẳng đứng với tốc độ cao.

Trục thăng trinh sát tấn công RAIDER X

Khi những công nghệ tiên tiến khác như trí tuệ nhân tạo, tốc độ siêu âm, Máy học, công nghệ nano và robot đang từng bước hình thành cuộc cách mạng hóa chiến trường tương lai, sự phức tạp nguy hiểm của chiến tranh hiện đại và gia tăng những mối đe dọa mới thúc đẩy quân đội Mỹ phát triển những  phương tiện chiến đấu tiên tiến, thực hiện những công nghệ mà trước đây không có cả trong trí tưởng tượng.

Các chỉ huy chiến đấu cho biết, thế hệ phương tiện bay cánh quạt tiếp theo cần phải có tốc độ nhanh hơn, tính năng cơ động cao, vũ khí có uy lực mạnh hơn và sử dụng công nghệ tiên tiến hơn, trong đó có công nghệ tương tác với máy bay không người lái.

“Quân đội Mỹ cần phải được trang bị các công nghệ có thể làm thay đổi nhanh chóng cán cân lực lượng trong một môi trường tác chiến có tính đối kháng cao, liên kết chặt chẽ với lực lượng chủ lực hoặc với các lực lượng quân binh chủng khác, nhưng cũng có thể tiến hành các hoạt động tác chiến độc lập” - Học thuyết tác chiến đa miền không gian chiến trường, năm 2028 của Quân đội Mỹ nhấn mạnh.

Theo TGO
back to top