Hình minh họa
Nổi tiếng kỳ tài
Nguyễn Hữu Chỉnh đỗ Hương cống lúc mới 16 tuổi nên còn được gọi là Cống Chỉnh. 18 tuổi thi Tạo sỹ đỗ đến Tam trường. Ông là người hào hoa, phong nhã, có dung mạo tuấn tú, nổi tiếng Kinh kì về tài ứng đối chữ nghĩa; lên 9 tuổi đã ứng khẩu làm bài thơ “Vịnh cái pháo”.
Nguyễn Hữu Chỉnh còn là người rất giỏi văn Nôm, tự soạn những ca khúc phổ vào đàn nhị, nuôi con hát trong nhà hơn mười người, ngày đêm ca múa, phong lưu đệ nhất Kinh thành.
Cha Nguyễn Hữu Chỉnh thường ra vào cửa Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc và khi vào yết kiến, Nguyễn Hữu Chỉnh được khen là kì tài và được dùng làm gia khách. Năm Giáp Ngọ 1774, khi Hoàng Ngũ Phúc vào Nam đánh chúa Nguyễn đã cho Chỉnh đi theo quân thứ, giữ chức Tư thừa Thư kí, rồi sai đến Tây Sơn khuyên Nguyễn Nhạc quy thuận với Triều đình.
Chúa Nguyễn thua chạy vào Nam, Tây Sơn sợ phải thụ địch hai đầu, nên Nguyễn Nhạc nghe theo, dâng lễ xin làm Tiền khu, giữ biên giới miền Nam cầm cự chúa Nguyễn. Hoàng Ngũ Phúc chấp nhận, sai Chỉnh đem cờ, ấn, gươm đến trại phong Nguyễn Nhạc làm tuyên uý đại sứ, trấn thủ Quảng Nam, tước Quận công. Thấy Chỉnh ăn nói lưu loát, Nguyễn Nhạc có lòng kính trọng.
Hết lòng với Tây Sơn
Năm 1776, Hoàng Ngũ Phúc mất, Nguyễn Hữu Chỉnh tiếp tục làm thủ hạ cho con nuôi Phúc là Quận Huy Hoàng Đình Bảo, người làm phụ chính cho Điện Đô vương Trịnh Cán. Khi Quận Huy trấn thủ Nghệ An cho Chỉnh giữ chức Hữu Tham quân, luyện thuỷ binh, giúp Quận Huy đánh dẹp giặc biển 1778. Chỉnh luôn thắng trận, nghề thuỷ vào bậc vô địch bấy giờ nên người vùng bể gọi Chỉnh là “Con cắt biển” (hải điêu).
Quận Huy đi trấn thủ Sơn Nam, Chỉnh đổi sang Đội tiền Trung rồi Tiền cơ đóng ở Nghệ An. Có kẻ tố cáo Chỉnh thông đồng với Quận Huy tiêu lạm công quỹ mấy trăm vạn. Dù bị tra khảo gần chết, Chỉnh vẫn nhất định không khai nên Quận Huy vô sự.
Năm Canh Tý 1780, Trịnh Tông mưu đoạt ngôi chúa, việc bại lộ, Tông bị cha là Trịnh Sâm nghiêm trừng. Trước khi chết, Trịnh Sâm gửi gắm Trịnh Cán, con Đặng Thị Huệ cho Quận Huy nhờ phò tá.
Quận Huy chuyên quyền lại mang tiếng gian dâm với Đặng Thị Huệ nên kiêu binh giết Quận Huy, phế Cán, lập Tông làm chúa. Tông trả thù những người trước đó tố cáo mình, lùng bắt bè đảng Quận Huy để giết.
Thấy vậy, Hoàng Viết Tuyển trước có chịu ơn, vượt biên vào Nghệ An báo cho Chỉnh hay. Chỉnh xui Dao Trung Hầu, em rể Quận Huy trấn thủ Nghệ An rằng, muốn thoát nạn nên chiếm Nghệ An, giữ những nơi hiểm yếu, liên kết với phó tướng Thuận Hoá, còn phần Chỉnh tự lo mặt bể.
Dao Trung Hầu nhát gan không dám và cũng không chạy trốn, Chỉnh bèn đem vợ con cùng Hoàng Viết Tuyển xuống thuyền vào Nam theo Nguyễn Nhạc. Lúc ấy vào tháng 11 năm Nhâm Dần 1782. Trước khi nhổ neo, Chỉnh gọi 300 lính dưới quyền ra bờ sông giải tán, nói rõ duyên cớ, lại để cho mỗi người một quan tiền đen.
Đến Quảng Nam vừa lúc Nguyễn Nhạc xưng vương, Nhạc tuy mến tài Chỉnh nhưng còn e dè, ngờ vực. Chỉnh kể rõ biến loạn ở Bắc Hà, đem cả gia đình ra làm con tin, Nhạc mới yên lòng cho dự bàn quốc sự.
Từ đó, Chỉnh hết lòng với Tây Sơn, bầy mưu hiến kế, chứa tích lương thực, sắm sửa khí giới, luyện tập binh lính, kén chọn tướng sĩ, đánh Chiêm Thành, Xiêm La, Bồ Man thường cầm gươm đi trước và luôn thắng trận, dần dần được lòng tin của Nhạc.
(còn nữa)
Nguyễn Trung Thành