Hình minh họa
Kiêm nhiệm chức Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc tử giám trong hơn 30 năm, Nguyễn Duy Thì không chỉ là người thầy đáng kính mà còn là nhà quản lý giáo dục, tham gia trực tiếp tuyển chọn người hiền tài cho đất nước.
Ông làm Giám thí khoa thi Quý Sửu 1613 và khoa thi Quý Hợi 1623… Những nỗ lực đóng góp của Nguyễn Duy Thì đã thúc đẩy nền giáo dục khoa cử phát triển mạnh.
Nguyễn Duy Thì có người con trai Nguyễn Duy Hiểu sinh năm 1602, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ khoa Mậu Thân năm 1628 khi 27 tuổi, đồng khoa với Giang Văn Minh.
Nguyễn Duy Hiểu ra làm quan đồng triều với thân phụ Nguyễn Duy Thì, được cử đi sứ nhà Minh năm 1639 cùng Giang Văn Minh trong tình thế vô cùng nguy nan và cả hai vị đều hy sinh trên đất Bắc quốc.
Phụng mệnh triều đình, Nguyễn Duy Thì lên biên giới đón đoàn sứ thần trở về, không ngờ lại phải nhận thi hài con mình! Vua Lê Thần Tông sắc phong ghi rõ công trạng của ông với tư cách là nhà ngoại giao có công đặc biệt với đất nước.
Nguyễn Duy Thì mất năm 1651, hưởng thọ 81 tuổi. Phủ đường nơi ông làm việc khi về quê, sau khi ông mất, nhân dân sử dụng làm nơi hương đăng thờ phụng, tưởng nhớ công lao của ông.
Ngày nay ở quê nhà còn đền thờ và lăng mộ của ông. Trước lăng mộ có cặp câu đối: Bát cổn ngoại xuân thu, lũy triều nguyên lão – Tứ thập niên tể phụ, vạn cổ danh gia. Tạm dịch là, Tám chục lẻ xuân thu, bậc nguyên lão mấy triều – Bốn mươi năm Tể tướng, vị danh nhân muôn đời.
Người có uy quyền lừng lẫy
Trong đền Thượng thư Nguyễn Duy Thì, vẫn còn đủ sắc phong của vua Lê và lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý như chiếc đòn võng gỗ mít ông vẫn dùng khi từ triều đình về quê và ngược lại; một bản chúc thư gồm 188 trang chữ Hán do công thần Nguyễn Duy Trực sao lại năm 1780, nội dung ghi các chức tước và ruộng đất được ban cấp của ông, 34 đạo sắc phong nguyên gốc và nhiều hiện vật là đồ thờ tự tại đền có niên đại thế kỷ 17 bao gồm ngai ỷ, án gian, chấp kích, bát bửu và hệ thống hoành phi, câu đối ca ngợi tài đức, công lao của Nguyễn Duy Thì trong nửa thế kỷ làm quan.
Ghi nhận những giá trị kiến trúc và văn hóa đó, năm 1993, UBND tỉnh Vĩnh Phú cũ đã công nhận Đền thờ Tướng công Nguyễn Duy Thì là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Hơn 50 năm làm quan, Nguyễn Duy Thì đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng. Đương thời, đó là người có quyền uy lẫy lừng, chỉ dưới vua Lê, chúa Trịnh. Nguyễn Duy Thì cũng được đánh giá là nhà chính trị kiệt xuất, nhà ngoại giao tài ba, uy danh, góp phần ổn định chính trị trong nước, bang giao hòa hảo với các nước láng giềng.
Bởi vậy, tương truyền thần nhân đã từng hiện lên đọc mấy câu thơ về Nguyễn Duy Thì như sau: “Yên Lãng nhân, Yên Lãng nhân – Thiên hạ an nguy tại hệ nhất thân”. Câu này có nghĩa là: Người xã Yên Lãng, huyện Yên Lãng – Đất nước yên nguy liên quan đến người này.
Phạm Đình Hổ coi ông “là người suốt đời làm quan luôn giữ mình trong sạch, ngay thẳng, là người nổi tiếng đời Trung hưng”.
Nguyễn Bảo Nam