<div> <p><strong>Học sâu nhưng không đỗ cao</strong></p> </div> <p>Tổ tiên Nguyễn Đăng Đệ người xã Phù Lưu Tràng, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), nguyên là họ Trịnh. Cụ tổ xa đời là Trịnh Cam, làm quan thời nhà Lê đến Binh bộ Thượng thư.</p> <p>Đến khi Mạc Đăng Dung phế Lê Cung Hoàng lập lên nhà Mạc, Trịnh Cam tránh vào ở Thuận Hóa, muốn chiêu tập những người trung nghĩa, mưu đồ khôi phục nhà Lê, nhưng chưa làm được đã chết. Về sau con cháu bèn nhập tịch ở xã An Hòa thuộc huyện Hương Trà, chiếm khoa mục rất nhiều.</p> <p>Nguyễn Đăng Đệ (gốc Trịnh), cháu đời thứ 7 của Trịnh Cam là con thứ ba của Trịnh Phú, húy Viễn, tự Bang, hiệu Hòa Đức. Ông sinh ngày 17 tháng 6 năm Kỷ Dậu (14/7/1669) là người ôn nhã trung chính, văn học sâu rộng. Năm Đăng Đệ còn nhỏ, có thầy tướng số trông thấy bảo rằng: “Khiếu mắt có tàng thần, có quý cách đấy, chỉ tiếc tai thấp, không đỗ cao được”.</p> <p>Ông thi đỗ chính đồ năm Ất Hợi (1695) bổ làm huấn đạo Triệu Phong. Năm Tân Tỵ (1701) thi đỗ sinh đồ. Đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) được bổ làm huấn đạo rồi thăng Tri huyện Minh Linh.</p> <p>Năm Mậu Tý (1708) lúc 39 tuổi, Nguyễn Đăng Đệ được phong Văn chức, do là người ngay thẳng, giỏi ứng đối và thông thạo việc thảo ra các văn bản cho nhà chúa, nên được chúa Nguyễn Phúc Chu tin yêu ban cho quốc tính mà đổi ra họ Nguyễn (họ nhà chúa).</p> <p>Từ đó toàn tộc Trịnh được đổi gọi tộc danh là Nguyễn Đăng. Năm Nhâm Thìn (1712) mùa hạ, Đăng Đệ được thăng ký lục ở doanh Quảng Nam. Khi làm quan, Nguyễn Đăng Đệ làm cho kiện cáo được giảm đi, phong tục được khuyến khích, dân đều yêu mến.</p> <p><strong>Làm cho dân không kiện cáo</strong></p> <p>Năm Ất Mùi (1715) Nguyễn Đăng Đệ được thăng Doanh đô tri. Năm Đinh Dậu (1717) mùa xuân, chúa cho rằng Đăng Đệ trước ở Quảng Nam, làm việc thanh liêm, công minh, chính trực, việc kiện cáo do vậy được yên ổn, vốn được nha lại và dân chúng tin phục bèn cho đi bình chức ký lục Quảng Nam. Chúa viết câu đối ban cho:</p> <p> “Lập pháp tinh hình, cánh kiến ngã triều sinh Cấp Ảm</p> <p>Sử dân vô tụng, phương tri ngô quốc hữu Hoài Nam”</p> <p>Nghĩa là: Lập luật pháp, bớt hình phạt lại thấy triều ta có cấp Ảm</p> <p>Làm cho dân không kiện cáo, mới biết nước ta có Hoài Nam.</p> <p>Năm Giáp Thìn (1724), Đăng Đệ được thăng chính danh ký lục. Ông xin cấm các hàng tiền bằng gang, kẽm, chì và sắt không được dùng để mua bán. Tiền đồng mẻ, gãy không được chọn chê. Chúa nghe theo.</p> <p>Đời Lê Túc Tông năm đầu (1725) Nguyễn Đăng Đệ vâng mệnh Nguyễn Phúc Thụ (1725- 1738) đi tuần thú các tỉnh từ Quảng Nam trở vào kiểm tra các phủ, định rõ thể lệ quan chức của các thuộc mới lập. Thuộc nào từ 500 người trở lên đặt cai thuộc, ký thuộc đều một người. Thuộc nào từ 450 người, đặt một ký thuộc. Thuộc nào từ 100 người trở xuống, đặt một tướng thần. Duy các thuộc Hoa Châu, Phú Châu, hộ làm liềm, nhà đan lưới và nhà bè đặt một đề lĩnh.</p> <p>Đăng Đệ lại xin cấm dân đánh bạc, kiện gian, trốn tránh sai dịch và ẩn lậu đinh khẩu. Chúa đều chấp nhận và cho thi hành.</p> <p>Sau đó ông bị ốm nghỉ việc. Ngày 28 tháng 11 năm Đinh Mùi (9/1/1728) ông mất, thọ 59 tuổi được tặng Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, Thụy Cương nghị, được nhà chúa cho nhiều tiền, lụa để mai táng.</p> <p>Ông có 2 bà vợ, bà chính là Nguyễn Thị Luân, bà thứ là Ngô Thị Liên, sinh được 15 con trai và 10 con gái. Các con của Đăng Đệ đều thành đạt, trong đó người con thứ 7 của ông là Nguyễn Đăng Nghi, húy Thịnh, hiệu là Cư Trinh là khai quốc công thần của nhà Nguyễn.</p> <p><strong>Trịnh Dương</strong></p> <!--.saic-wrapper -->