Bụng nhỏ do sổ ruột
Chị Lê Mai Hương (tổ 1 Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, sau sinh, vòng 2 của chị sồ sề, chảy xệ trông rất mất thẩm mỹ. Được mấy chị em cùng xóm mách nước, chị mua loại thuốc sổ ruột về để uống. Với liệu trình liên tục là 30 ngày, mỗi ngày uống 1 lần trước khi đi ngủ, chị hy vọng vòng 2 sẽ trở nên thon gọn sau chuỗi ngày “khổ luyện”. Tuy nhiên mới chỉ dùng sang ngày thứ 3, chị đã không thể chịu đựng nổi.
Chị kể: Cứ uống thuốc xong là đi vệ sinh liên tục. Mỗi đêm tôi phải đi vệ sinh đến cả chục lần. Sáng ra người lả đi, không còn năng lượng hay sức sống, cơ thể mệt mỏi, bụng lép kẹp. Vừa mất ngủ, vừa đau bụng, không biết như vậy thì có tác hại gì không? Có nên thực hiện cho hết liệu trình không?
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho biết, hiện có 05 nhóm thuốc nhuận tràng chính được sử dụng bao gồm: thuốc nhuận tràng thẩm thấu, chất xơ và chất nhầy, thuốc làm trơn và mềm phân, các thuốc kích nhu động, thuốc nhuận tràng tác dụng tại chỗ. Trong đó, thuốc nhuận tràng thẩm thấu và các thuốc kích thích nhu động là 2 nhóm thuốc thuận tràng phổ biến nhất được sử dụng nhằm mục đích giảm cân.
Về lý thuyết, thuốc nhuận tràng thẩm thấu làm tăng áp lực thẩm thấu và kéo theo nước vào trong lòng ruột, từ đó làm tăng lượng nước trong phân giúp bài tiết và tống xuất theo phân ra ngoài. Thuốc làm trơn và mềm phân: thành phần dầu vaselin hoặc paraphin có tác dụng xổ cơ học bằng cách ngăn chặn sự hấp thu nước.
Việc sử dụng thuốc nhuận tràng/thuốc xổ sẽ khiến cho cơ thể đẩy hết thức ăn trong ruột ra khỏi cơ thể, từ đó, sau khi dùng thuốc xổ và đi đại tiện, cân nặng sẽ giảm, cho cảm giác người nhẹ nhàng hơn và cân nặng giảm đi.
“Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nhuận tràng/thuốc xổ về cơ bản không có hiệu quả giảm cân, nó chỉ có tác dụng đẩy thức ăn trong ruột ra khỏi cơ thể và từ đó làm giảm khối lượng của cơ thể chứ không có tác dụng giảm mỡ bụng và cũng không được coi là một pháp giảm cân hữu hiệu”, TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết,
Nguy hại
Việc sử dụng thuốc sổ ruột như vậy không vô hại như nhiều người nghĩ. Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, bên cạnh việc không có tác dụng giảm mỡ bụng, việc sử dụng thuốc nhuận tràng/thuốc xổ không nhằm mục đích điều trị táo bón cũng có một số nguy cơ sức khỏe khác.
Đầu tiên, tác dụng chính của thuốc xổ là đẩy bã thức ăn ra khỏi ruột già, mặc dù các chất dinh dưỡng hầu như đã được hấp thu ở ruột non, nhưng một số các khoáng chất cần thiết sẽ tiếp tục được hấp thu ở ruột già, khiến cơ thể bị thiếu hụt một số khoáng chất cần thiết cho cơ thể cơ thể và hàng loạt vấn đề sức khỏe cấp tính khác.
Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở người trưởng thành.
Tiếp theo, khi sử dụng thuốc hoặc các sản phẩm có tác dụng xổ/nhuận tràng, thứ được đẩy ra khỏi cơ thể không chỉ có thực phẩm mà còn có cả nước trong cơ thể. Điều này sẽ gây mất nước trong cơ thể, từ đó gây tăng nhịp tim, hạ huyết áp, các vấn đề về thận, co giật và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Đặc biệt nếu sử dụng thuốc nhuận tràng/xổ ở liều cao hơn liều kê đơn, ngay cả khi chỉ một liều duy nhất cao hơn hoặc quá một liều mỗi ngày có thể dẫn tới mất nước nặng và tử vong.
Cùng với đó, các tác dụng phụ có thể gặp khi uống thuốc nhuận tràng bao gồm: đau bụng quặn thắt, tiêu chảy mạn tính, đầy hơi, buồn nôn, mất khả năng giữ nước, mất nước, ói mửa, làm suy yếu và làm mềm xương (loãng xương), chảy máu trực tràng. Sử dụng thuốc nhuận tràng/thuốc xổ kéo dài để giảm cân sẽ làm mất trương lực ruột đưa đến rối loạn tiêu hóa, đi tiêu không còn bình thường.
“Một tác dụng phụ do dùng thuốc nhuận tràng thường xuyên là làm thay đổi nồng độ các chất điện giải trong máu, nên lượng kali thấp và có thể dẫn đến các cơn đau tim, gây yếu cơ, mỏi mệt”, TS.BS Trương Hồng Sơn.