<p>Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc chữa ho, viêm họng, trong đó có dạng viên ngậm. Đây là dạng thuốc được nhiều người tin dùng vì dễ sử dụng, rẻ tiền và có hương thơm,vị ngọt hấp dẫn.</p> <p>Chính vì tiện dụng, rẻ nên nhiều người có thói quen lạm dụng. Việc sử dụng thường xuyên loại thuốc này có thể dẫn đến những hậu quả cho sức khỏe nếu không điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh.</p> <h2><strong>Thuốc viên ngậm</strong></h2> <p>Là thuốc dạng viên mà người dùng không được nuốt, giữ trong khoang miệng hoặc đặt dưới lưỡi cho tan để hoạt chất phóng thích và hấp thu qua niêm mạc miệng, dưới lưỡi để vào máu hoặc cho tác dụng tại chỗ.</p> <p>Dạng thuốc này thích hợp đối với người bệnh gặp khó khăn trong việc uống thuốc viên (như bị nôn hoặc bị các triệu chứng liên quan đến bệnh đường tiêu hóa).</p> <p>Thuốc viên ngậm trị ho thường chứa các hoạt chất như tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu tràm (eucalyptol) hoặc dextromethorphan là chất ức chế phản xạ ho hoặc tinh dầu bạch đàn, mật ong, gừng, chanh... có tác dụng sát trùng, sát khuẩn, làm dịu các cơn ho, dịu thanh quản, đau họng, khản giọng...</p> <p>Hiện nay có nhiều thuốc viên ngậm Đông y như bổ phế ngậm hoặc kẹo ngậm trị ho. Thuốc viên ngậm thường có vị ngọt nhờ có tá dược làm ngọt là đường mía (saccharose) hoặc chất làm ngọt nhân tạo (như aspartam) dành cho người kiêng đường hay người bệnh đái tháo đường.</p> <h2><strong>Những nguy hại khi lạm dụng</strong></h2> <div> <ul style="display: flex;"> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> <li style="display:none; width: 47%;margin-bottom: 7px;padding: 5px;border: 1px solid #ddd;text-align: justify;background: #f2f2f2;overflow: hidden;float: left;margin-right: 2%;box-sizing: border-box;"><a href="" rel="nofollow" style="overflow: hidden;" target="_blank"> <img src="" /> </a></li> </ul> </div> <p>Mặc dù những loại thuốc ngậm này đem lại hiệu quả giảm đau rát, giảm ngứa họng nhanh chóng nhưng không nên lạm dụng khi bị viêm họng hoặc ho. Thuốc chỉ nên dùng phối hợp để trị ho, viêm họng ở tình trạng nhẹ.</p> <p>Một số người khi thấy có triệu chứng ho hay viêm đau họng là tự ý mua thuốc này về sử dụng, không đi khám bệnh bỏ lỡ cơ hội được điều trị kịp thời. Thuốc tuy có tác dụng làm dịu các triệu chứng viêm họng tức thì nhưng lại không có khả năng chữa trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh.</p> <p>Chính vì lí do này bệnh nhân phải thường xuyên ngậm thuốc thì mới có thể tạm ngưng các triệu chứng bệnh. Và do phải dùng ngậm thuốc liên tục như vậy khiến bệnh nhân ngày một lệ thuộc vào thuốc, trong khi bệnh thì không khỏi mà ngày càng nặng hơn sẽ rất khó điều trị sau này.</p> <p>Không chỉ thế, nó còn khiến đờm bị ứ lại mà không tiết được ra ngoài, nếu lâu ngày sẽ biến chứng thành viêm đường hô hấp mạn tính cực kỳ nguy hiểm.</p> <p>Bên cạnh đó, một vài loại viên ngậm có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe như người bị hen suyễn, những người có cơ địa bị dị ứng với thuốc giảm đau.</p> <p>Những người đang dùng thuốc trị bệnh tim, các bà mẹ đang mang thai hay cho con bú cũng nên tránh tự ý sử dụng những loại thuốc ngậm viêm họng này mà không có sự chỉ định của bác sĩ.</p> <h2><strong>Lời khuyên của thầy thuốc</strong></h2> <p>Để điều trị dứt điểm bệnh cần tìm rõ căn nguyên từ đó mới có phác đồ điều trị đúng. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý khi cho con sử dụng viên ngậm ho. Tốt nhất không nên cho dùng vì trẻ có nguy cơ bị sặc.</p> <p>Các viên thuốc ngậm thường đóng gói dạng bào chế tương đối giống viên kẹo nên tránh dùng từ “kẹo” để chỉ loại thuốc này khiến trẻ có thể tự sử dụng không có sự chỉ dẫn và giám sát của người lớn. Ngoài ra, việc tự ý dùng thuốc có thể làm bệnh kéo dài hoặc nặng thêm.</p> <p>Khi bị viêm họng, ho cần đến phòng khám để được tư vấn dùng thuốc và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cần giữ vệ sinh miệng, họng bằng súc miệng nước muối loãng loại 0,9% để đề phòng viêm họng.</p> <p>Người bệnh có thể sử dụng một số phương pháp chữa trị viêm họng từ thiên nhiên như nước gừng, mật ong kết hợp với lá hẹ, vỏ quýt, quất nguyên vỏ xanh, lá húng chanh, hoa hồng bạch... hấp cách thủy, uống hoặc ngậm đều cho tác dụng tốt trong việc điều trị viêm họng.</p> <div> <div> <div> <div> </div> <div> </div> </div> </div> <div> <div> </div> </div> </div>