Nguy hại của thịt động vật hoang dã

(khoahocdoisong.vn) - Vì sao đa phần các loài virus lạ tấn công con người đều qua đường lây nhiễm từ các loài động vật khác?

Hỏi: Vì sao đa phần các loài virus lạ tấn công con người đều qua đường lây nhiễm từ các loài động vật khác?

Trần Hoàng Thắng (Hà Nội)

GS Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Tiếp xúc với thú rừng, thói quen ăn thịt thú rừng như chim, nhím, lợn rừng, linh dương... sẽ khiến người dùng bị mắc các loại virus lạ bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong thời điểm này, khi dịch corona đang vào giai đoạn đỉnh điểm. Theo nghiên cứu của Tổ chức nông nghiệp, lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), có trên 70% các bệnh truyền nhiễm gần đây con người mắc phải có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi như hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS), AIDS, cúm gia cầm, Ebola và mới đây là corona đều bắt nguồn từ các loài linh trưởng, cầy, dơi và chim di cư do con người tiếp xúc trong quá trình săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, tiêu thụ.

Các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus lạ như dơi ăn quả, khỉ, hay vượn… tại khu vực có rừng nhiệt đới. Khi con người sử dụng làm thực phẩm, nguy cơ lây nhiễm virus lạ cực kỳ cao. Vậy là vô hình trung, những người có thói quen tiêu thụ động vật hoang dã, tưởng là sử dụng động vật có nguồn gốc này thì an toàn, nhưng lại đang đứng ở ranh giới rất nguy hiểm. Để bảo vệ sức khỏe của chính mình thì người dân không nên ăn uống, mua bán những sản phẩm, loại động vật hoang dã trên. Nếu đang ở trong khu vực nghi ngờ có dịch, tuyệt đối không nên mua, ăn và săn bắt thú rừng hoang dã vì chúng có thể đang có sẵn mầm bệnh gây nguy hiểm.

Cách tốt nhất hiện nay, để phòng ngừa dịch bệnh là nói không với thịt của các loài động vật hoang dã, đây là cách bảo vệ sức khỏe, bảo vệ thiên nhiên và sự phong phú của hệ động thực vật. Thói quen thích các món lạ, từ các loài động vật rừng sinh sống tự nhiên… cần phải thay đổi.

Theo Đời sống
back to top