Hỏi: Tôi nghe nói tiền sản giật rất nguy hiểm nhưng không biết đó là bệnh gì? Ảnh hưởng của nó với mẹ và con ra sao?
Nguyễn Thị Thu (Thái Nguyên)
TS.BS Đinh Thúy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: Tiền sản giật là một bệnh lý tương đối phổ biến, cứ 100 người mang thai sẽ có 2 - 8 người mắc tiền sản giật. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng như tăng huyết áp; protein trong nước tiểu; phù... thường xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ.
Tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong khi sinh nở, như làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân. Đặc biệt, tiền sản giật có thể dẫn đến tình trạng sản giật, trong đó mẹ bầu bị co giật, mất ý thức, có thể hôn mê nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, tiền sản giật còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm sau sinh, bao gồm tai biến mạch máu não, tổn thương thận nghiêm trọng, bệnh thận mạn tính... Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ thường không có triệu chứng rõ rệt, tuy vậy tiền sản giật có thể tiến triển rất nhanh.
Với thai nhi, tiền sản giật xảy ra sớm trong thời kỳ mang thai có khả năng dẫn đến sinh non. Một số trường hợp tiền sản giật nặng sẽ gây rau bong non, thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong trong bụng mẹ.
Hiện nay, bệnh lý này có thể được sàng lọc và dự phòng, từ tuần 11 - 14 của thai kỳ. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên đi sàng lọc để quá trình mang thai được an toàn.