Nguy cơ lây lan dịch Covid-19 từ các lễ hội

(khoahocdoisong.vn) - Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu được kiểm soát, nhiều lễ hội đã được phép tổ chức trở lại và đón lượng du khách đông ngoài dự kiến. Tuy nhiên, việc du khách đổ xô đi lễ hội đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Hai ngày cuối tuần vừa qua, số lượng người dân đi lễ đầu xuân đổ về chùa Hương (Hà Nội) và chùa Tam Chúc (Hà Nam) tăng đột biến. Trong đó, chùa Hương đón quãng hơn 40.000 lượt người, còn chùa Tam Chúc khoảng 70.000 lượt; riêng ngày chủ nhật, chùa Tam Chúc đón 50.000 lượt.

Số lượng du khách đến các điểm du lịch tâm linh, di tích này tuy chỉ bằng khoảng 50% so với khi chưa xảy ra dịch bệnh, nhưng là con số cao bất thường trong thời điểm dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi và còn diễn biến phức tạp ở một số nơi.

Khách tăng đột ngột đã khiến các địa điểm du lịch này "thất thủ". Theo thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều địa điểm trong khu di tích xảy ra tình trạng ùn ứ, "biển người" đi lễ chỉ có thể nhích từng bước.

Số lượng du khách đông bất thường đã gây ùn tắc cục bộ tại một số khu vực trong chùa và khiến cho Ban quản lý chùa gặp khó khăn trong việc quản lý và xử lý các yêu cầu đảm bảo an toàn trong dịch như thông điệp 5K. Cụ thể, với lượng người tập trung đông trong một không gian hẹp thì 3K (khẩu trang - khoảng cách - không tập trung) đã không được tuân thủ, 2K còn lại (khử khuẩn - khai báo y tế) cũng rất khó để tuân thủ. Tuy Ban quản lý chùa Tam Chúc cho biết đã yêu cầu du khách khai báo y tế, cấp phát khẩu trang miễn phí, nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, nhưng lượng khách quá đông cho nên khá nhiều người đã... bỏ qua.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay nhiều địa phương cho phép mở cửa đi lễ chùa hoặc tổ chức lễ hội nhưng không làm khai mạc lễ hội và yêu cầu người dân thực hiện quy định chống dịch của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc người dân đổ xô đi chùa, nhiều người không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách là rất nguy hiểm.

Trong khi đó, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, sáng 16/3 đã có thêm 2 ca mắc Covid-19 mới tại Hải Dương. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 903 ca, trong đó, riêng Hải Dương có 719 ca, Quảng Ninh (61 ca)… Đồng nghĩa với việc dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Vừa qua, dịch Covid-19 ở Hải Dương, TPHCM, Hà Nội đã ghi nhận các chủng mới mà chủng mới phải thông qua con đường nhập cảnh. Vì thế, nếu chủ quan, lơ là dịch sẽ bùng phát, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Mới đây, ngày 15/3, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Trịnh Thị Thủy đã ký văn bản số 810/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành yêu cầu tăng cường biện pháp an toàn phòng chống dịch Covid-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực VH-TT&DL. Văn bản nhận định tình hình dịch Covid-19 trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh do hiện tượng người dân chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh.

Nhu cầu đi lễ của người dân là chính đáng. Tuy nhiên, vào thời điểm dịch bệnh vẫn có những diễn biến khó lường, các địa phương có các điểm du lịch tâm linh cần nâng cao ý thức của người dân, để những mùa lễ hội vẫn được diễn ra trong an toàn, nhất là khi vẫn còn nhiều điểm du lịch tâm linh, di tích, thắng cảnh… đang chuẩn bị mở cửa đón khách trở lại.

Theo KH&ĐS
back to top