Nguy cơ cá mập rạn san hô "tuyệt chủng về chức năng"

(khoahocdoisong.vn) - Một nghiên cứu toàn cầu về những rạn san hô trên thế giới cho thấy, cá mập đang "tuyệt chủng về chức năng", tức là không còn đóng vai trò quan trọng trong chức năng duy trì hệ sinh thái trên gần 1/5 các rạn san hô được khảo sát.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế thuộc Tổ chức FinPrint thu thập những dữ liệu của hơn 15.000 trạm video, truyền từ xa dưới nước được chuẩn hóa, triển khai trên 371 rạn san hô thuộc 58 quốc gia để ước tính tình trạng bảo tồn cá mập rạn san hô trên toàn cầu. 

GS Colin Simpfendorfer thuộc Đại học James Cook, Úc, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết, trong 69 rạn san hô của 6 quốc gia: Cộng hòa Dominican, Tây Ấn thuộc Pháp, Kenya, Việt Nam, Antilles của Hà Lan và Qatar, chỉ có 3 con cá mập được quan sát trong hơn 800 giờ khảo sát.

Thiết bị theo dõi môi trường sinh thái rạn san hô BRUVS.

Thiết bị theo dõi môi trường sinh thái rạn san hô BRUVS.

Theo GS Simpfendorfer, Úc là một trong những quốc gia hoạt động hiệu quả nhất trong việc bảo vệ quần thể cá mập và đảm bảo quần thể này duy trì vai trò của mình trong môi trường sinh thái.

Jody Allen, đồng sáng lập và Chủ tịch Quỹ gia đình Paul G. Allen, ủng hộ và hậu thuẫn cho dự án FinPrint toàn cầu phát biểu: “Đây là kết quả rất đáng tiếc khi cá mập biến mất khỏi nhiều rạn san hô trên thế giới, gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến quần thể sinh thái rặng san hô và có thể gây tổn thương đến môi trường biển”. 

Global FinPrint là dự án quốc tế với hơn 120 nhà nghiên cứu tập trung vào 4 khu vực rạn san hô chính: Tây Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và Trung Thái Bình Dương. 

Đây là chương trình thu thập và phân tích dữ liệu lớn nhất và toàn diện nhất về các quần thể cá mập và cá đuối rạn san hô trên thế giới, giúp những loài động vật này cũng như các quốc gia có được cơ sở dữ liệu để thực hiện công tác bảo tồn, duy trì môi trường sinh thái biển ở mức cao nhất.

Theo Science Daily
back to top