Dinh dưỡng trong thai kỳ quyết định các bệnh mạn tính không lây
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ Trưởng Vụ sức khỏe Bà Mẹ - Trẻ em cho biết, khi phụ nữ có thai, nhu cầu về năng lượng và chất dinh dưỡng cao hơn bình thường vì ngoài nhu cầu cho các hoạt động của cơ thể, còn thêm nhu cầu cho sự biến đổi về chuyển hóa, tích lũy mỡ, tăng cân, sự tăng về khối lượng của tử cung, vú và đặc biệt là nuôi bào thai phát triển cũng như tạo đủ sữa cho trẻ bú sau đẻ. Vì thế, người phụ nữ có thai cần phải ăn nhiều hơn lúc bình thường và biết chọn các thức ăn để có đủ chất dinh dưỡng.
Chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian mang thai là yếu tố liên quan rõ rệt nhất đến cân nặng của trẻ khi đẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định, nếu bà mẹ được cung cấp thức ăn đầy đủ và cân đối trong thời gian mang thai sẽ bảo đảm cho thai nhi tăng cân tốt, kể cả con của các bà mẹ suy dinh dưỡng. Ngược lại, nếu bà mẹ mang thai thiếu ăn sẽ tăng nguy cơ sinh con non tháng, nhẹ cân.
TS Trần Đăng Khoa phân tích, nếu chế độ ăn của người mẹ không hợp lý, thiếu về số lượng và chất lượng trong một thời gian dài, bà mẹ dễ bị thiếu năng lượng trường diễn, trẻ dễ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai, trẻ đẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân khi lớn lên tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, giảm dự trữ thận, giảm chức năng phổi, chậm dậy thì, dễ bị trầm cảm và tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch cao. Riêng đối với trẻ gái sinh nhẹ cân có nguy cơ suy dinh dưỡng khi trưởng thành, lại tiếp tục là một yếu tố nguy cơ sinh con nhẹ cân cho thế hệ kế tiếp.
Ngược lại cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ dẫn đến tích lũy năng lượng thừa dưới dạng mỡ, bà mẹ tăng cân quá mức dẫn đến nguy cơ đái tháo đường thai nghén và trẻ sinh ra nặng cân hơn bình thường (trên 4000g), nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch...
Vì vậy, phụ nữ có thai nên bổ sung nhu cầu năng lượng đúng phù hợp với người Việt theo khuyến nghị năng lượng (Kcal/ngày) như sau:
Nhóm tuổi |
Hoạt động thể lực nhẹ |
Hoạt động thể lực trung bình |
20 – 29 tuổi |
1.760 |
2.050 |
30 - 49 |
1.730 |
2.010 |
Phụ nữ có thai 3 tháng đầu |
+ 50 |
+ 50 |
Phụ nữ có thai 3 tháng giữa |
+ 250 |
+ 250 |
Phụ nữ có thai 3 tháng đầu |
+ 450 |
+ 450 |
Bổ sung chất đạm và chất béo đúng loại
TS Trần Đăng Khoa nhấn mạnh, bữa ăn cho bà mẹ có thai cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể trẻ. Chất đạm còn cần thiết cho quá trình tạo máu, phát triển của các tổ chức trong cơ thể mẹ, cần thiết cho phát triển của thai và rau thai.
Chất đạm cần tăng thêm 15g/ngày so với bình thường. Bữa ăn của người mẹ cần phối hợp giữa protein động vật và thực vật. Các thực phẩm cung cấp protein động vật bao gồm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, thịt hải sản ... Các thực phẩm cung cấp protein thực vật gồm: đậu tương, đậu xanh, cá loại đậu khác, vừng, lạc...
Bên cạnh việc đảm bảo nhu cầu tổng số protein khẩu phần thì chất lượng protein hay thành phần các axit amin, đặc biệt là các axit amin thiết yếu là các amino mà cơ thể không tự tổng hợp được mà cần phải được cung cấp từ thực phẩm cũng cần được đảm bảo. Tổng nhu cầu amino axit thiết yếu là 251mg/kg/ngày. Các thực phẩm chứa nhiều amino thiết yếu là: thịt gà, cá, hạnh nhân, hạt điều, trứng, gan, đậu lăng và thịt bò, đậu lạc tôm, phô mai, sữa, các loại hạt...
Chất béo đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai và cho con bú, quan trọng nhất là chất béo tham gia và quá trình hình thành và phát triển não. Tiêu thụ lipit quá thấp trong bữa ăn hàng ngày không những ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và thần kinh mà còn nhiều cơ quan khác của thai nhi.
Trong thời gian mang thai, khuyến nghị đầu tiên và quan trọng nhất với thai phụ là các axit béo no không được vượt quá 10 năng lượng khẩu phần. Để làm được điều này có thể tăng cường sử dụng các loại dầu thực vật và hạn chế tiêu thụ các loại mỡ động vật. Các axit béo không no phải đảm bảo cung cấp 11- 15% năng lượng bằng cách tăng cường sử dụng các loại dầu thực vật và cá mỡ.
Nhật Hà