Nguồn cá suy kiệt, quốc gia nước mắm “đói” nguyên liệu

Trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, thì ở chiều ngược lại, công suất đánh bắt và sản xuất nước mắm ngày càng tăng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cần duy trì, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn thủy sản nguyên liệu phục vụ sản xuất nước mắm.

Cá càng ngày càng ít

Nước mắm là một loại gia vị luôn hiện hữu trong món ăn hàng ngày của người Việt và ngày càng được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.

Nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm chủ yếu là loại cá thuộc nhóm cá nổi nhỏ như cá biển (gồm các loài cá cơm, nục, trích…).

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hải sản, nguồn lợi cá nổi nhỏ ở Việt Nam có khoảng 2,45 triệu tấn. Trong đó Vịnh Bắc bộ có 547.000 tấn (22,3%), Trung bộ có 690.000 tấn (28,2%), Đông Nam Bộ có 782.000 tấn (31,9%) và Tây Nam Bộ có 430.000 tấn (17,5%).

Tuy sản lượng cá nổi nhỏ hiện nay của Việt Nam đang rất lớn, nhưng trong thời gian qua đã suy giảm nghiêm trọng. Nếu như giai đoạn 2000 - 2005, trữ lượng cá nổi nhỏ của Việt Nam đang đạt 5,07 triệu tấn, thì giai đoạn 2011 - 2015 giảm còn 4,36 triệu tấn, giai đoạn 2016 - 2019 còn 3,95 triệu tấn.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước mắm hiện nay cả trong và ngoài nước đang gia tăng.

Sản lượng nước mắm bình quân của Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít. Tốc độ tăng trưởng ngành nước mắm hàng năm từ 13% trở lên.

Theo Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), khai thác thủy sản và sản xuất nước mắm tăng trưởng bình quân 4,61%/năm nhờ công suất tàu lớn và thiết bị ngày càng hiện đại.

Tổng giá trị ngành nước mắm đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm. Nghề nước mắm đã tạo công ăn việc làm và sinh kế cho gần 1 vạn lao động trực tiếp và khoảng 4 triệu ngư dân khai thác, thu mua thủy sản, làm muối ven biển.

Tăng trưởng của thị trường nước mắm còn thể hiện ở việc ưa chuộng nước mắm của người Việt. Trung bình, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,9 lít/người.

Thị trường xuất khẩu ngày càng có nhu cầu cao với nước mắm Việt. Ngoài các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, nước mắm Việt đang chinh phục thị trường châu Âu nhờ mùi vị đặc trưng và giàu chất dinh dưỡng.

Thống kê, thị trường châu Úc chiếm hơn 18% tổng sản lượng nước mắm xuất khẩu, châu Âu chiếm hơn 13% và châu Mỹ hơn 13%.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nguồn lợi thủy sản Việt Nam, trong đó có nguồn cá làm nước mắm, đang suy giảm. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam là rất cấp thiết.

Thiếu chiến lược khai thác thủy sản lâu dài

Nguyên nhân của tình trạng suy giảm mạnh nguồn lợi hải sản, theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), là do người dân hiện nay chưa có ý thức trong việc đánh bắt thủy sản bền vững, vẫn đang đánh bắt theo kiểu tận diệt. Đặc biệt, đối với cá nổi nhỏ, chủ yếu sống ở vùng gần bờ, lại càng là đối tượng bị đánh bắt tận diệt sớm nhất.

Việc đánh bắt tận diệt này ngày càng diễn ra trầm trọng, vì công nghệ đánh bắt tiên tiến và số lượng tàu bè nhiều hơn.

Bên cạnh đó là bảo quản cá sau khi đánh bắt đang rất kém, khiến ngư dân lựa chọn lấy số lượng để bù chất lượng, càng làm trầm trọng hơn tình trạng tận diệt. Trong khi đó, các chính sách của nhà nước đối với khai thác thủy sản vẫn đang rất lỏng lẻo. Hầu hết đều đang cố gắng để thoát thẻ vàng EC hoặc khai thác theo hướng dẫn IUU (Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định).

“Việt Nam hiện nay còn chưa có một quy hoạch trung hạn nào cho phát triển ngành thủy sản”, ông Hùng nhìn nhận.

Là cơ quan quản lý nhà nước, hiện nay Tổng cục Thủy sản đang tham mưu cho Bộ NN&PTNT và Chính phủ về Luật Thủy sản, đây được kỳ vọng sẽ là định hướng cho ngành thủy sản trong 10 năm tới.

Bên cạnh đó, Tổng Cục cũng đang tiến hành điều tra nguồn lợi thủy sản, làm cơ sở xây dựng Quy hoạch bảo vệ, bảo tồn, phục hồi thủy sản để trình Thủ tướng. Nếu được phê duyệt, đây là lần đầu tiên ngành thủy sản có quy hoạch cho riêng mình.

Đồng quan điểm với ông Lê Trần Nguyên Hùng, ông Vũ Việt Hà, Viện Nghiên cứu hải sản cũng cho rằng, cần điều tra nguồn lợi, đánh giá cường lực và sản lượng khai thác thường niên để có kế hoạch bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá bền vững

Đồng thời, nên cấm nghề và ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt (19 ngư cụ bị cấm), hỗ trợ chuyển đổi sang nghề khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa phương, tạo môi trường bảo tồn cho cá phát triển. Cụ thể như thả các rạn nhân tạo để cá có nơi trú ẩn và sinh sản, cấm biển vào mùa cá sinh sản để gia tăng cơ hội ra đời và trưởng thành của con non.

Ngoài ra, để phát triển ngành sản xuất nước mắm bền vững, ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đề xuất, có thể sử dụng các loài cá có giá trị dinh dưỡng khác, thay thế cho nguồn nguyên liệu truyền thống để sản xuất nước mắm.

Thiết lập các mô hình quản lý nguồn lợi dựa vào cộng đồng, hướng tới khai thác bền vững nguồn lợi thuỷ sản cho sản xuất nước mắm, lấy nền tảng là các chi hội nghề cá. Tăng cường liên kết với các Hiệp hội nước mắm để thúc đẩy việc phát triển ngành hàng nước mắm và đưa nước mắm Việt ra thế giới.

Thúc đẩy các liên kết chuỗi giá trị giữa tàu cá - thu mua - doanh nghiệp sản xuất, chế biến nước mắm. Áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiến tới áp dụng truy xuất điện tử đối với sản phẩm thủy sản nói chung và nước mắm nói riêng.

Theo ông Phùng Đức Tiến, nguồn cá biển có thể thu được từ ngư trường dọc các tỉnh duyên hải từ Vịnh Bắc bộ, miền Trung đến vịnh Thái Lan. Nguồn cá đồng như cá linh tập trung nhiều ở tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An.

Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản Việt Nam, trong đó có nguồn cá làm nước mắm đang có dấu hiệu suy giảm mạnh. Do đó, để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản, cần sử dụng thay thế các loài cá có giá trị dinh dưỡng khác để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm.

Theo VietnamDaily
back to top