Người Việt giải mã gene chữa ung thư, 4 lần xướng tên trên MD Anderson Mỹ

TS Phan Minh Liêm là người Việt Nam đầu tiên 4 lần được vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới MD Anderson. Ở tuổi ngoài 30, anh đã mang vinh dự về cho đất nước với 3 công trình ứng dụng được Quốc hội và Bộ Quốc phòng Mỹ trao giải thưởng, gần 30 công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế...
ts-phan-minh-liem-nguoi-hung-tham-lang-cua-benh-nhan-ung-thu.jpg

Quyết tâm nghiên cứu

Sinh ra trong một gia đình bố mẹ là nhà giáo ở Nha Trang, lớp 9 Phan Minh Liêm (sinh năm 1983) đã đoạt giải nhì quốc gia môn tiếng Pháp và được nhận học bổng sang Pháp học một năm. Hết lớp 10, anh tiếp tục về nước học tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang). Năm 2001, Phan Minh Liêm đỗ Đại học Y nhưng anh lại lựa chọn Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM để theo đuổi con đường nghiên cứu công nghệ sinh học.

Đang học đại học năm thứ 3 nghe tin Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) tổ chức kỳ thi giành học bổng đào tạo tiến sĩ tại Mỹ, anh đánh liều thi chơi thử sức vì biết đó là học bổng dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp đại học, không ngờ lại được chọn. Năm 2005, anh bước chân sang Mỹ chọn nghiên cứu về ung thư, một ngành nghiên cứu khó khăn và vất vả.

Ở thời điểm chọn lựa, Phan Minh Liêm sẵn có một mối quan tâm đặc biệt về căn bệnh ung thư vì có nhiều người thân và sau này là mẹ anh mắc phải căn bệnh bị cho là “án tử”. Chứng kiến và nghe thấy bao người mình quen biết phải qua đời vì căn bệnh quái ác, anh nung nấu có thể làm được một điều gì đó trong tương lai để góp phần giúp chiến thắng được căn bệnh này. Và anh đã chọn MD Anderson bởi đây là Viện Nghiên cứu ung thư số một của Mỹ.

TS Phan Minh Liêm tâm sự, những ngày đầu tại Mỹ anh học như “đánh vật” vì tiếng Anh vốn chẳng phải sở trường. Các bài giảng trên lớp phải ghi âm rồi về nghe lại, vừa nghe vừa tra từ điển. Nhiều thí nghiệm đơn giản thường ngày đối với các bạn cùng lớp, nhưng anh không biết làm. Lúc ấy, từng phải ngủ trên mấy tấm bìa các tông, trong một căn phòng trọ gần như không có đồ đạc gì nhưng cũng không khó khăn bằng những ánh mắt xem thường bắt gặp đâu đó trong lớp. Chính điều đó đã giúp anh nung nấu ý nghĩ phải cố gắng và cố gắng.

Nghiên cứu khoa học vốn là con đường nhiều thử thách, nghiên cứu ung thư thì lại càng khó khăn gấp bội. Trong gần 8 năm trời hoàn thành luận án tiến sĩ và theo đuổi phát kiến mới của mình, TS Phan Minh Liêm và nhóm cộng sự đã mất gần 4 năm cho những giả thiết, dữ liệu có vẻ như đi ngược lại với những nghiên cứu kinh điển đã được thừa nhận trước đó. Nhóm chưa tìm được cách chứng minh, thậm chí có những thời điểm còn không chắc mình đúng. Trong khi đó, các cơ quan cấp tài trợ cho nhóm không thể chờ lâu hơn, vì họ ngờ rằng nhóm có thể đã đi sai hướng.

Chính vào thời điểm bế tắc đó, nhóm TS Phan Minh Liêm may mắn được tham dự một buổi nói chuyện của GS.TS.BS Đặng Văn Chí, một chuyên gia hàng đầu về ung thư tại Mỹ. Trong bài nói chuyện GS.TS.BS Đặng Văn Chí nhắc đến một trường hợp tương tự như giả thiết mà nhóm nghiên cứu đặt ra. Điều đó cho thấy suy luận của nhóm có cơ sở và tạo niềm tin, động lực mạnh mẽ tiếp tục triển khai sâu đề tài.

Các kết quả nghiên cứu tiếp theo cho thấy, khi protein 14-3-3sigma được kích hoạt, nhiều loại tế bào ung thư sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt năng lượng, ức chế khả năng tăng trưởng, hạn chế di căn, đồng thời giúp giảm đáng kể tình trạng kháng thuốc ở người bệnh mà hầu như không gây ảnh hưởng đến những tế bào lành đã được thử nghiệm.

Cuối cùng, nhóm đã được ghi nhận là những người đầu tiên phát hiện ra một chức năng mới của protein 14-3-3sigma với khả năng ức chế quá trình hấp thu dinh dưỡng và chuyển hóa năng lượng của tế bào ung thư. Từ nghiên cứu cơ bản này, TS Phan Minh Liêm và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu ứng dụng chuyên sâu về mức độ khả thi, độ an toàn, đánh giá hiệu quả của phương pháp.

Điều trị ung thư cho người Việt

Sau khi nghiên cứu của TS Phan Minh Liêm và cộng sự được công bố, đã có rất nhiều công ty dược tìm đến đặt vấn đề tài trợ để được độc quyền kết quả nghiên cứu. Sau hơn 10 năm làm tại Viện MD Anderson, anh cùng các đồng nghiệp đã có 26 công trình nghiên cứu khoa học, chủ yếu về các phương pháp mới điều trị ung thư. Trong đó, có 3 công trình ứng dụng vào thực tế được Quốc hội và Bộ Quốc phòng Mỹ trao giải thưởng. TS Phan Minh Liêm là người Việt đầu tiên hiếm hoi được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện MD Anderson.

Năm 2015, TS Phan Minh Liêm cùng với vợ là chị Nguyễn Mai Chi cũng tốt nghiệp ngành dược mở công ty khởi nghiệp tại TP Houston (bang Texas). Đây là công ty khởi nghiệp đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ y sinh học giải mã gene nhằm phát hiện sớm các loại bệnh di truyền, đặc biệt là ung thư; đồng thời cung cấp thông tin về các phương pháp mới phòng ngừa và điều trị ung thư.

Theo TS Phan Minh Liêm, hiện nay, công nghệ có khả năng giải mã trên 20.000 gene của các tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, nhằm tầm soát các đột biến di truyền làm tăng nguy cơ ung thư và xác định các phương pháp điều trị tối ưu. Công nghệ giải mã gene thế hệ mới hiện đang dẫn đầu thế giới về hiệu quả lâm sàng trong việc phát hiện và điều trị sớm ung thư.

tam-soat.jpg

Khi đã có được những thành công bước đầu trên con đường lập nghiệp, cũng như nhiều trí thức người Việt khác ở nước ngoài, TS Phan Minh Liêm luôn tìm cách đóng góp cho quê hương. Liên tục nhiều năm qua, anh về nước tham gia thuyết giảng, tư vấn trực tiếp cho những người quan tâm đến căn bệnh ung thư.

Thông qua Viện MD Anderson, anh đã mời 25 chuyên gia, bác sĩ đầu ngành ung thư tại Mỹ đến Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, tập huấn về điều trị ung thư cho các đồng nghiệp Việt Nam, đồng thời tư vấn về các phương pháp mới tự điều trị, chế độ dinh dưỡng cho các bệnh nhân ung thư Việt Nam.

Năm 2016, khi nguồn tài trợ học bổng của VEF không còn, anh cùng các cựu du học sinh của học bổng này đứng ra thành lập học bổng mới mang tên VEF 2.0 để trao cho các sinh viên tài năng trong nước sang Mỹ du học. TS Phan Minh Liêm cho biết, từ nhiều năm nay anh cùng các cựu du học sinh Việt Nam đã thiết lập chương trình tặng sách ở Mỹ cho các thư viện Việt Nam (hơn 10.000 cuốn các loại), trao hơn 100 học bổng cho học sinh THPT trên cả nước (100USD/học bổng); lập trang web tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, viết thư giới thiệu… cho học sinh Việt Nam sang Mỹ du học.

Với mong muốn đưa công nghệ tầm soát ung thư bằng giải mã gene về Việt Nam, TS Phan Minh Liêm đã nhiều lần mời các giáo sư hàng đầu Trung tâm Ung thư MD Anderson đến Việt Nam làm việc, thẩm định và đồng ý chuyển giao độc quyền công nghệ.

Tháng 7/2018, Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức khai trương tại TP Nha Trang, do TS Phan Minh Liêm làm Viện trưởng. Đây là cơ sở nguyên cứu và điều trị ung thư quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, được đánh giá là bước đột phá trong công nghệ y sinh của Việt Nam, mở ra cơ hội tiếp cận giải pháp điều trị ung thư hiệu quả và chi phí thấp nhất cho người Việt.

Trong bộ gene của mỗi tế bào luôn có nhiều gene kháng ung thư nhưng sau nhiều thập niên nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết về các gene này. Tình cờ nuôi cấy tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm, tôi phát hiện các tế bào này tăng cường hấp thu dinh dưỡng và chuyển hóa năng lượng mạnh mẽ để tạo ra các tế bào mới khi có một đột biến về di truyền xảy ra. Sự đột biến ở đây như cái chốt chặn. Nếu ta khống chế, chặn được, tế bào ung thư sẽ không còn nguồn năng lượng để phát triển và chỉ cần 48 - 96 tiếng đồng hồ là có thể tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư đó. Công nghệ giải mã gene có hiệu quả đến hơn 90% và đang được nhiều khách hàng khắp nơi trên thế giới tham gia nhằm ngăn ngừa ung thư. Bệnh nhân ở bất cứ đâu đều có thể nghe tư vấn, xét nghiệm máu rồi gửi về cho công ty ở Mỹ nghiên cứu, phân tích để đưa ra các đơn thuốc phù hợp mà không cần đến Mỹ ” – TS Phan Minh Liêm cho biết.

dr.-liem-minh-phan.jpg
Theo Đời sống
back to top