<div> <p>Bên lề Tập huấn cung cấp nội dung truyền thông theo chủ đề về các vấn đề mới của Nghị quyết 21/NQ-TW cho phóng viên, trao đổi với phóng viên Lao Động, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội – Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, một nghịch lý xã hội đang diễn ra khi người có học thức càng cao, điều kiện kinh tế càng tốt thì tình trạng mất cân bằng <span>giới tính khi sinh</span> càng trầm trọng.</p> <figure class="insert-center-image"><img alt=" " src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/23/sinh-con-trai.jpg" /> <figcaption class="image-caption"> Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử. Ảnh: Thảo Anh.</figcaption> </figure> <p><strong><em>Thưa ông, trong quá trình nghiên cứu về dân số, đặc biệt là vấn đề tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, vấn đề khiến ông trăn trở nhất là gì?</em></strong></p> <p>- Theo số liệu mới nhất năm 2018 của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ giới tính khi sinh là 115,1 trai/100 gái. </p> <p>Một nghịch lý xảy ra khi mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình trạng kinh tế gia đình khá giả. Điều tra của Tổng cục Thống kê đến năm 2014 cho thấy tỉ số giới tính khi sinh thấp nhất là 106 trai/100 bé gái ở nhóm các bà mẹ không biết chữ.</p> <p>Tỉ lệ này tăng dần theo trình độ học vấn của người phụ nữ, lên đến 115 trai/100 gái ở những bà mẹ có trình độ cao đẳng trở lên.</p> <p>Ở nhóm dân cư giàu, tỉ số này là 113 trai/100 gái, trong khi đó nhóm dân cư nghèo đạt 107 bé trai/100 bé gái.</p> <figure class="insert-center-image"><img alt=" " src="https://khds.1cdn.vn/2019/09/25/72148191_24426232159.jpg" /></figure> <figure class="insert-center-image"><img alt=" " src="https://khds.1cdn.vn/2019/10/07/72628658_26799172854.jpg" /> <figcaption class="image-caption"> Người học càng cao, nhà càng giàu càng mất cân bằng giới tính khi sinh.</figcaption> </figure> <p><strong><em>Vậy ông lý giải như thế nào về nguyên nhân dẫn đến nghịch lý những người càng giàu, học càng cao thì càng sinh con trai nhiều hơn con gái?</em></strong></p> <p>- Nguyên nhân chung của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao vì cốt yếu nhất vẫn là do tư tưởng trọng nam khinh nữ. Không chỉ đơn thuần là sinh con trai để nối dõi tông đường mà do kinh tế, an sinh xã hội còn hạn chế nên rất nhiều người già phải sống phụ thuộc vào con cái. Cộng thêm tập quán cha mẹ thường ở với con trai, thành ra đều muốn sinh cho được con trai để "già cậy con".</p> <p>Còn người càng học vấn cao, càng giàu có càng sinh nhiều con trai vì họ có kiến thức và điều kiện hơn để lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc chủ động sinh con trai.</p> <p>Hơn nữa, ngày xưa, mức sinh là 8 con thì hầu như chắc chắn có con trai, còn khi mức sinh thay thế hiện nay là 2 con thì xác suất là cả hai con gái rất cao nên người ta buộc phải lựa chọn chủ động có con trai, dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.</p> <p><strong><em>Vậy giải pháp gốc rễ của thực trạng này là gì, thưa ông?</em></strong></p> <p>- Trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về giới tính, để thay đổi vai trò, vị trí của nữ giới trong xã hội; giá trị của một con người nằm ở cống hiến của người đó cho gia đình và xã hội chứ không phải giới tính nam hay nữ.</p> <p>Cùng đó, kinh tế phát triển hơn, phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi, để những người già bớt phụ thuộc kinh tế con cái.</p> <p>Đặc biệt, phải tăng cường khung pháp lý với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số như việc lựa chọn giới tính khi sinh.</p> <p>Hiện nay mới dừng ở mức độ Pháp lệnh Dân số, chưa phải luật nên hiệu lực còn hạn chế. Theo tôi, sắp tới phải nâng Pháp lệnh Dân số lên thành Luật Dân số để tăng hiệu lực.</p> <p><strong><em>Trân trọng cảm ơn ông!</em></strong></p> <coccocgrammar></coccocgrammar><coccocgrammar></coccocgrammar><coccocgrammar></coccocgrammar><coccocgrammar></coccocgrammar></div> <p> </p>