Người Việt ăn mì tôm thứ ba thế giới, Acecook Việt Nam vào top toàn cầu

Việt Nam ăn mì tôm nhiều thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc, vượt Ấn Độ. Trong top các nhà sản xuất và chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mì ăn liền toàn cầu có tên  Acecook Việt Nam.

Việt Nam tiêu thụ nhiều mì ăn liền

Từ thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), có thể thấy thị trường châu Á có sức tiêu thụ lớn nhất, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) chiếm 56,45% tổng tiêu thụ toàn cầu năm 2020; thứ hai là Đông Nam Á với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, chiếm 25,24%.

Trung Quốc tuy có nhu cầu về mì ăn liền cao nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ không cao như Việt Nam.

Người Việt ăn mì tôm thứ ba thế giới, Acecook Việt Nam vào top toàn cầu
Người Việt ăn mì tôm nhiều thứ ba thế giới

Tại Việt Nam, khi thực hiện các đợt giãn cách xã hội, báo cáo của Bộ Công Thương cũng thường xuyên ghi nhận thiếu hụt tạm thời mì ăn liền. Bởi vì đây là mặt hàng được người dân mua với số lượng lớn, một số nơi còn ít hàng do chưa kịp phân phối, giá cả không thay đổi. Riêng mặt hàng mì Hảo Hảo tại một số địa phương đôi khi có khan hiếm do nhu cầu của người dân lớn, các cơ sở kinh doanh chưa kịp nhập hàng.

Theo WINA, nhu cầu mì ăn liền của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019.

Trong các nước khối ASEAN, Philippines cũng có tỷ lệ tăng trưởng về nhu cầu mặt hàng mì gói, mì cốc khá cao, đạt 16,1% vào năm 2020. Nguyên nhân bởi Philippines là quốc gia chịu nhiều thiên tai nên hầu hết người dân có xu hướng tiết kiệm tiền cho tương lai, luôn dự trữ thực phẩm có thể dễ dàng nấu chín phòng trừ trong thời gian xảy ra thiên tai. Do vậy, mì ăn liền chính là một lựa chọn tối ưu.

Theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%. Thống kê hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam. Nhưng không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhiều thương hiệu quốc tế khác cũng đang thâm nhập vào thị trường nội địa, tận dụng ưu đãi về thuế suất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, điều này khiến thị trường Việt Nam rất phong phú, đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng cả về chủng loại và giá cả mặt hàng.

Về thị trường tiềm năng, mặc dù châu Á hiện có sức tiêu thụ lớn nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng nhu cầu hàng năm không cao, dưới 17% (trừ Việt Nam). Trong giai đoạn 2022-2026, châu Âu dự kiến sẽ là thị trường có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm cao nhất, từ 15% đến dưới 50% (tùy theo từng quốc gia). 

Xuất khẩu tới 40 quốc gia

Về tiềm năng xuất khẩu, năm 2020 và năm 2021, ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng dịch Covid-19 toàn cầu. Cá biệt, khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước diễn biến phức tạp, có công ty của Việt Nam xuất khẩu mì tăng 300%. Hiện, phở ăn liền và mì ăn liền hiện Việt Nam đã và đang xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới.

Để xuất khẩu mặt hàng này, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các thủ tục, chứng từ cần thiết để khai báo hải quan, gồm: Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice), phiếu đóng gói hàng hóa (Packing List), xác nhận đặt chỗ trên phương tiện vận chuyển (Booking Confirmation), hợp đồng thương mại (Sales Contract), giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký kiểm nghiệm sản phẩm mì hoặc phở ăn liền, bản tự công bố sản phẩm, giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sales), kiểm dịch động vật (Health Certificate).

Bởi, hầu hết các sản phẩm mì ăn liền hoặc phở ăn liền đều có thành phần có nguồn gốc từ động vật nên doanh nghiệp cần đăng ký lấy mẫu, kiểm dịch động vật.

Người Việt ăn mì tôm thứ ba thế giới, Acecook Việt Nam vào top toàn cầu
Việt Nam nằm ở top các nước tiêu thụ nhiều mì tôm trên thế giới

Đối với các HS code như: 19023030 (miến), 19023040 (mì ăn liền), 19023020 (mì, bún làm từ gạo), 190230 (sản phẩm từ bột nhào khác), 19023090 (loại khác) thì thuế xuất khẩu là 0%.

Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) thống kê, nhu cầu về mì ăn liền toàn cầu năm 2019 tăng 3,45% so với năm trước đó nhưng năm 2020 đã tăng 14,79% so với năm 2019 do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng mạnh dưới tác động của dịch Covid-19.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mặt hàng này dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021-2026. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển kinh doanh mì ăn liền trên cả thị trường nội địa và thị trường thế giới khá cao. Thị trường mì toàn cầu có thể được chia theo chủng loại gồm: mì thịt gà, rau, hải sản và các loại khác.

Các nhà sản xuất và chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường mì ăn liền toàn cầu hiện có Nissin Food Holdings; Nestle SA; ITC Limited; Capital Food Pvt Ltd; Ajinomoto Co, Inc; Acecook Việt Nam; Indofood Sukses Makmur Tbh; Aico Food Ltd; Samyang Corporation; Unilever PLC; Nongshim Co Ltd; Hebei Hualong Food Group và Master Kong.

Theo vietnamnet.vn
back to top