Người trẻ cũng cần cảnh giác với đau thần kinh tọa

(khoahocdoisong.vn) - Đau thần kinh tọa là triệu chứng người bệnh thấy đau ở thắt lưng, cơn đau kéo dài và có dấu hiệu lây lan xuống hông, cẳng chân, đồng thời cơn đau của bệnh đau thần kinh tọa có dấu hiệu chèn ép rễ dây thần kinh. Đặc biệt, căn bệnh này xảy ra rất phổ biến, chủ yếu ở người lao động chân tay từ độ tuổi 30 trở lên.

Thoái hóa là nguyên nhân gây đau

Sự thoái hóa đĩa đệm đã bắt đầu từ độ tuổi 30, do đó người từ 30 tuổi trở lên có nhiều nguy cơ bị đau thần kinh tọa. Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa thường do thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Điều này xảy ra khi phần lõi mềm (nhân nhầy) thuộc đĩa đệm giữa các đốt sống bị rò rỉ, hoặc thoát ra ngoài khỏi bao xơ bọc ngoài của đĩa đệm và chèn ép vào các rễ thần kinh tiếp giáp gây ra các hiện tượng đau, tê, nhói, yếu liệt…

Nguyên nhân thứ hai thường do thoái hóa đĩa đệm. Bình thường đĩa đệm bao gồm phần bao xơ dày chắc và phần hạt nhân đệm (chất nhầy) chứa nước tạo độ mềm xốp, có tác dụng giúp giảm sốc cho cột sống, tuy nhiên theo thời gian lượng nước bên trong ngày càng giảm khiến các protein trong đĩa đệm biến chất và chảy ra ngoài bào xơ và gây chèn ép, kích thích các rễ thần kinh gây ra đau thần kinh tọa.

Ở một số bệnh nhân, đau thần kinh tọa còn do hẹp ống sống. Ống sống là khoang rỗng của các phần đốt sống, bên trong là rễ thần kinh và tủy. Hẹp ống sống là khi kích thước ống sống vùng thắt lưng bị thu hẹp do chồi xương bị thoái hóa, phì đại mặt khớp, dây chằng xung quanh ống sống hoặc do thoát vị đĩa đệm… và thông thường người lớn trên 60 tuổi có tỷ lệ mắc nhiều hơn do sự lão hóa tự nhiên của cột sống.

Khi bị đau dây thần kinh tọa phải điều trị lâu dài, áp dụng tổng hợp biện pháp như dùng thuốc, xoa bóp, vật lý trị liệu...tuy nhiên bệnh hay tái phát, những đợt tái phát lại thường diễn ra nặng hơn.

Nhận biết sớm bệnh

Khi cảm thấy đau thắt lưng, cơn đau xuất hiện đột ngột hoặc kéo dài trong nhiều giờ, đó chính là dấu hiệu đau thần kinh tọa khi dây thần kinh này bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm hoặc tổn thương cột sống thắt lưng. Trên thực tế, biểu hiện đau thần kinh tọa còn có thể nhận biết thông qua các triệu chứng như cơn đau xuất phát từ vùng thắt lưng, lan sang hông, di chuyển xuống đùi, đầu gối và đến tận gót chân. Trong một số trường hợp có thể gây đau từ chân chạy ngược lên thắt lưng.

Đau tăng khi người bệnh vận động mạnh, ho, hắt hơi, leo cầu thang, thay đổi tư thế đi đứng, tình trạng đau nhức có thể giảm đôi chút nếu nghỉ ngơi hợp lý. Người bệnh đau nhiều vào sáng sớm, khi vừa ngủ dậy hoặc lúc chiều tối. Mức độ đau tăng dần theo thời gian, cơn đau kéo dài lâu hơn và có dấu hiệu đau thần kinh tọa dữ dội hơn. Để dễ nhận biết, người bệnh cần chú ý, đau nhức vùng thắt lưng là dấu hiệu đau thần kinh tọa có thể nhận biết đầu tiên. Tiếp đến là các dấu hiệu dị cảm (đau rát như kiến bò, như kim châm), các hoạt động như cúi người, leo cầu thang, mang giày cao gót gặp nhiều khó khăn, các khớp chân khó cử động. Trường hợp nặng có thể gây tê chân, mất cảm giác, tiểu tiện không tự chủ, đôi khi còn bị liệt tạm thời. Đau dây thần kinh tọa nếu không điều trị sớm có thể phát sinh nhiều di chứng nguy hiểm như: vẹo cột sống, teo cơ, liệt chi, cơ thể suy nhược, stress, trầm cảm.

Người bệnh đau thần kinh tọa nên đi khám ở các bệnh viện chuyên khoa, tuân thủ điều trị của bác sĩ. Trong thời gian bị bệnh cần nghỉ ngơi, nằm giường cứng, tránh nằm võng hay ngồi trên ghế xích đu, tránh vận động mạnh như xoay người đột ngột, chạy nhảy, cúi gập người. Tốt nhất nên áp dụng vật lý trị liệu trong đó có kéo giãn cột sống: Kéo giãn cột sống có thể thực hiện bằng tay trong giai đoạn cấp hoặc bằng máy kéo giãn trong giai đoạn bán cấp và mạn tính, áp dụng 1-2 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút. Sau đợt điều trị tại bệnh viện, người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng, tập trung vào các bài tập ở khối cơ lưng, cạnh cột sống để tăng sự dẻo dai của cột sống. Trong lao động, đi lại tránh chấn thương cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất. Khi làm việc không nên ngồi lâu, sau mỗi giờ làm việc nên đi lại thư giãn để cột sống được thoải mái.

BS Nguyễn Văn Nam (Phùng Khoang, HN)

Theo Đời sống
back to top