Người phụ nữ gìn giữ kho báu của Huyền Trân công chúa

(khoahocdoisong.vn) - Là một trong những phụ nữ hiếm hoi trong giới cổ vật, nhà sưu tầm Lê Thị Minh Tâm còn nổi tiếng với báu vật có một không hai: Đài sen đựng phấn của công chúa Huyền Trân.

Thành tâm gặp bảo vật

Nhà sưu tầm Minh Tâm người gốc Hoằng Hóa (Thanh Hóa), tham gia sưu tầm cổ vật và là người có tiếng trong giới cổ ngoạn Hà Nội với những hiện vật độc đáo, quý hiếm. Đặc biệt bên trong chiếc tủ kính được khóa cẩn thận chứa đựng bảo vật quý giá mà nhiều người cho rằng, từng là vật sở hữu của công chúa Huyền Trân - con gái vua Trần Nhân Tông, người sau này được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân.

Chị Tâm đưa chúng tôi xem tận mắt bảo vật quý hiếm mà giới sưu tầm luôn khát khao. Chiếc đài sen có màu men lục, bên trong còn cốt phấn trắng được đánh giá là hội tụ đầy đủ các yếu tố của một cổ vật tinh xảo và quý giá. Đài sen có kiểu dáng lạ với ba tầng cánh sen. Chị Tâm bảo, thông thường các cổ vật khác chỉ có một hoặc cùng lắm là hai tầng cánh sen. Chiếc đài sen này lại có đến ba tầng, phải chăng là một sự cách điệu tinh tế của người xưa.

Đài sen được cho là của Huyền Trân công chúa vẫn còn cốt phấn bên trong.

Đài sen được cho là của Huyền Trân công chúa vẫn còn cốt phấn bên trong.

Phần chân của đài sen được thiết kế theo kiểu “thông phong” cầu kỳ mà ngày nay hầu như không ai có thể thực hiện thủ công được. Qua hình dáng và các chi tiết của đài sen, các nhà sưu tầm đánh giá là người thợ hoàn toàn làm thủ công, không dùng khuôn đúc.

Đặc biệt, đài sen dưới cùng có đủ 32 cánh ngắn; tầng thứ hai đủ 32 cánh lớn và tầng thứ ba dày hơn với những đường khía trên miệng đài đều và thẳng. Giới chơi cổ vật cũng thường xuyên “săn” đài sen nhưng cũng chỉ thấy đài sen 2 tầng chứ chưa thấy cái nào 3 tầng như của chị Tâm.

Trước khi có được bảo vật này, trong một chuyến đi sưu tầm ở Thừa Thiên Huế, chị Tâm có vào thắp hương tại điện thờ công chúa Huyền Trân. Khi về đến Hà Nội thì nhận được tin người tên Cường ở Thanh Hóa đang sở hữu cổ vật đài sen hoàn chỉnh.

Khi cổ vật đài sen ba tầng về đến Hà Nội, rất nhiều bạn bè trong giới sưu tầm đã trả giá gấp đôi ba lần nhưng chị Tâm không bán. Chị cho rằng, rất có thể vì có duyên với công chúa Huyền Trân nên mới mua được món đồ quý giá này nên chị coi đó như bảo vật.

Cổ vật nắp hổ phù.

Cổ vật nắp hổ phù.

Bước đầu, các chuyên gia khảo cổ nhận định chiếc đài sen men lục cốt phấn có niên đại thời Lý - Trần. Vì đó là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo nên trong hầu hết các hoa văn đồ gốm thường được tạo hình cánh sen.

Đặc biệt là chất men ngọc lục vào thời Lý - Trần đang ở giai đoạn đỉnh cao và được ưa chuộng trong dân gian cũng như trong hoàng cung. Vì những lý do đó mà nhiều người cho rằng, rất có thể đài sen ba tầng là dành cho hoàng cung mà cụ thể là công chúa Huyền Trân dùng để đựng phấn.

Chiếc đèn xanh thời Pháp.

Chiếc đèn xanh thời Pháp.

Học “nghề xưa” từ ông nội

Giữa Hà Nội, không ai nghĩ lại có người đàn bà đắm đuối với cái nghiệp vốn tưởng chỉ dành cho giới đàn ông. Chị Tâm bảo, từ bé đã được ông nội - một người chơi cổ vật ở xứ Thanh dạy cho biết thế nào là cổ vật quý, thế nào là cổ vật thường. Từ những kiến thức của chất liệu như gỗ - đá - gốm – kim, chị đều thuộc lòng đến nỗi không nhớ mình vào nghề từ khi nào nữa.

Cho đến lúc lấy chồng, những thú vui tao nhã mà tốn tiền hao của ấy chị vẫn không quên mà âm thầm ki cóp mua những thứ cổ vật độc lạ rồi đóng hộp bỏ gầm giường. Chỉ những thời gian rảnh, chị Tâm mới lại bỏ ra mầy mò xem đến nước da của cái chóe, cái ram ráp của nước men rạn hay ngắm nghía cái đỉnh đồng đã úa xanh.

Chiếc bình gốm màu gỗ thời Lê.

Chiếc bình gốm màu gỗ thời Lê.

Cho nên nói đến cái sự học trong cổ vật thì quả là học các tiền bối là rất quý. Như trong giới cổ vật nhiều người ngưỡng mộ cụ Vương Hồng Sển bởi vốn kiến thức uyên thâm dù không đa dạng mà dám đi đến tận cùng vấn đề để bóc tách tìm ra những điều trân quý. Chị Tâm học được điều ấy và dám đi đến cùng với những gì mình phát hiện ra.

Trong ngôi nhà rất nhỏ ở ngõ Xã Đàn của người đàn bà cổ vật có những chiếc tủ chứa đựng những cổ vật lạ mà mấy chục năm nay, chị Tâm đã kỳ công tìm kiếm.

Chị Minh Tâm và chiếc đĩa tráng men ngọc lục.

Chị Minh Tâm và chiếc đĩa tráng men ngọc lục.

Mỗi cổ vật là một câu chuyện

Ngay từ những cái tủ để đựng cổ vật, bản thân cũng là những cổ vật quý. Qua lớp gỗ ngả màu, đôi chỗ bóng loáng bởi mồ hôi bao thế hệ đọng lại cùng một lối thiết kế chạm khắc hoa lá cành tài tình của người thợ mộc thợ ngõa xưa cho người thời nay thấy được giá trị đích thực.

Chị Tâm chỉ tay lên tường phía có một buồng chuối bằng gỗ được quết kiểu sơn son thếp vàng. Buồng chuối ấy có 3 nải, dưới là hoa đỏ đang tẽ hứa hẹn những nải chuối tiếp theo. Màu vàng sậm trên những quả chuối, cùng màu đỏ đã già tuổi cho người ta thấy một giá trị điêu khắc đầy tinh tế.

Chị Tâm bảo rằng, đó là một cổ vật rất hiếm mà chị phải mất nhiều công sức mới có được. Nó nguyên là bảo vật của một gia đình danh gia đến thời xuống cấp. Tuy vậy, chị phải nài nỉ vì sợ nhỡ đâu người ta bán cho nước ngoài thì phí quá.

Buồng chuối sơn son thếp vàng.

Buồng chuối sơn son thếp vàng.

Ở phía trong các tủ đứng, tuy không la liệt cổ vật nhưng cái nào cũng đều tinh tế. Cái đèn thủy tinh màu xanh ngọc mà đến cái đế đồng và cổ đồng khía dọc cùng đôi dòng Pháp văn đã nói được một thời hoàng kim khi chưa có khái niệm công nghiệp hóa.

Cái đĩa men xanh lục chị Minh Tâm đưa ra mới thực sự là một kỹ nghệ nghề gốm xưa kia. Miệng đĩa loe to nhưng sâu lòng, bề mặt sờ tay láng bóng như không một chút gợn. Màu men nổi xanh ngọc bích mát mắt, và đến khi rờ đến những hoa lá khắc nổi kia mới thật tài tình.

Chị Tâm bảo: “Mỗi cổ vật tôi có đều khá rõ lai lịch. Có cái có câu chuyện đàng hoàng, nhưng quan trọng là nó nổi bật được cả một thời kỳ và cung cách sản xuất”.

Một số tác phẩm họa cổ.

Một số tác phẩm họa cổ.

Ở gác hai, nhà sưu tầm Minh Tâm trưng bày một loạt tranh cổ do các danh họa Việt Nam vẽ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Có những bức họa sĩ vẽ hoàn chỉnh bằng màu nước trên nền giấy dó, có những bức ký họa dở dang. Lại có những bức nổi bật đám rước trên nền đen đặc ban đêm bằng chất liệu sơn mài vô cùng tinh tế.

Có những bức tranh đẹp và quý được giới sưu tầm cổ vật trả giá rất cao, có bức chị sẵn sàng bán, đổi lấy vật khác nhưng cũng có bức chị dặn lòng phải giữ lại cho riêng mình.

“Thời nào cũng có người yêu quý cổ vật, vấn đề là yêu quý giấu đi cho riêng mình; hay yêu quý để chuyển tải thông điệp lịch sử tới người khác. Mỗi cổ vật đều có những câu chuyện nhân văn, lịch sử và văn hóa rất đáng học hỏi”, nhà sưu tầm Lê Thị Minh Tâm.
Theo Đời sống
back to top