Một ca phẫu thuật tim.
Nữ bệnh nhân 56 tuổi ở tỉnh Đồng Nai cho biết cách đây vài ngày đã nhổ răng tại một phòng nha địa phương. Về đến nhà bà bắt đầu sốt và khó thở kéo dài, được gia đình đưa lên TP HCM khám. Kết quả siêu âm tim phát hiện bệnh nhân bị nhiễm trùng van tim.
PGS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhận định ổ vi trùng trú ngụ lâu ngày trong răng của người bệnh đã bị phát tán khi nhổ răng. Vi trùng nhiễm vào máu và theo dòng máu chu du khắp cơ thể. Khi đến tim, chúng bám lại gây nên ổ nhiễm trùng ở van tim và phát triển thành những mảng sùi ở van tim, làm cho bệnh nhân bị hở van động mạch chủ, hở van hai lá và ba lá. Trước đó bệnh nhân cũng có tổn thương ở van hai lá mà không biết.
Các bác sĩ hội chẩn xác định trường hợp này nếu không được phẫu thuật ngay, những mảng sùi vi trùng có thể rơi ra và di chuyển theo mạch máu lên não làm tắc mạch máu não, gây đột quỵ. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thay van tim bằng vật liệu tự thân, còn gọi là Ozaki.
PGS Nguyễn Hoàng Định cho biết, trường hợp này không thể thay van tim nhân tạo vì có nguy cơ nhiễm trùng tái phát trên van nhân tạo. Trong khi mổ, các bác sĩ cũng tiến hành sửa van hai lá và ba lá cho người bệnh.
Hiện sức khỏe bệnh nhân đã bình phục. Kiểm tra cho thấy chức năng của tim hồi phục tốt, các van hoạt động bình thường mà không phải dùng thuốc kháng đông.
Qua trường hợp trên, PGS Nguyễn Hoàng Định khuyến cáo mọi người khi nhổ răng hay chữa tủy nên đến các bệnh viện uy tín có chuyên khoa Răng Hàm Mặt. Đối với những trường hợp đã bị tổn thương ở tim nên báo cho nha sĩ biết để cho dùng kháng sinh trước khi nhổ răng nhằm ngăn chặn vi trùng phát tán và xâm nhập vào tim.
Mai Nguyễn (tổng hợp)