Bệnh nhân nữ 69 tuổi (Phú Xuyên, Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm. Trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện sốt, kèm mệt mỏi nhiều, không ho, không khó thở, tự điều trị tại nhà không đỡ.
Khi xuất hiện khó thở tăng dần, bệnh nhân đến phòng khám tư, chụp cắt lớp ngực có hình ảnh viêm phổi, tràn dịch màng phổi 2 bên.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng tỉnh, thở oxy 5l/ph. Vùng nách trái phát hiện có vết loét hoại tử khô, kích thước 1x2cm. Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ sốt mò.
Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh Nhan Dan |
Sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh cải thiện chậm, tình trạng hô hấp tiếp tục xấu đi, toan hóa máu nặng, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, được đặt ống nội khí quản, thở máy.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi có tràn dịch màng phổi do Rickettsia, suy thận cấp, suy tim, rung nhĩ. Tình trạng bệnh nhân rất nặng phải duy trì các thuốc vận mạch (thuốc nâng huyết áp), các thuốc kháng sinh và điều trị lọc máu liên tục.
Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã có chiều hướng cải thiện rõ, các cơ quan dần hồi phục, bệnh nhân đã có thể rút ống thở để tự thở.
Theo các chuyên gia, bệnh sốt mò là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi Rickettsiae tsutsugamushi - vi khuẩn ký sinh nội bào. Mò đỏ thường sinh sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, nơi có bóng râm hoặc trong hang đá. Con người có thể bị mò nhiễm bệnh đốt khi sinh hoạt hoặc lao động ở khu vực có ổ dịch, đi qua vùng ven sông, ven suối, vào các hang đá, nằm nghỉ trên bãi cỏ...
Dấu hiệu ban đầu là sốt cao và một số triệu chứng khác có thể nhầm với các bệnh sốt thông thường, sốt xuất huyết Dengue, sốt phát ban (sởi), bệnh sốt rét, viêm phổi, viêm cơ tim, nhiễm trùng máu. Hoặc do mệt mỏi, khó chịu, hoa mắt, chóng mặt, chóng mặt, ù tai, có cơn vã mồ hôi, đau cơ nhiều như trong bệnh sốt vàng da chảy máu (bệnh Leptospira). Có những trường hợp biểu hiện li bì, thờ thẫn, u ám như bệnh thương hàn (do vi khuẩn Salmonella). Thậm chí bệnh dễ nhầm lẫn với viêm cầu thận cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu...
Chẩn đoán cần dựa vào nốt loét điển hình (eschar) và triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra chẩn đoán xác định cần phải làm xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu trong máu. Và dựa trên các biểu hiện điển hình như các nốt đốt đóng vảy đen, mọc ở chỗ kín, nách, bẹn cổ,... Điều trị đặc hiệu bệnh sốt mò bằng các kháng sinh ngấm vào nội bào như Doxycyclin, Chloramphenicol, Azithromycin,… thì mới có tác dụng.