Người ngoại đạo “cách mạng'' ngành bảo tàng

(khoahocdoisong.vn) - Suốt một thời gian dài, bảo tàng ở Việt Nam chỉ là nơi trưng bày, lưu giữ những hiện vật “tĩnh”, khô cứng, mối mốc, cũ kỹ, buồn tẻ. Ông đến và biến chúng trở thành những câu chuyện sinh động, lôi cuốn, gắn bó với cuộc sống đương đại. Nhờ có ông, trẻ em, người già, khách Tây khách Ta ùn ùn kéo đến bảo tàng. Ông là PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Từ người ngoại đạo tới...

Năm 1983, khi đang đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, PGS.TS Nguyễn Văn Huy được giao nhiệm vụ phụ trách việc chuẩn bị cho sự ra đời Bảo tàng Dân tộc học - một đề án có tầm cỡ và quy mô quốc gia. Đây là một nhiệm vụ nặng nề vì đất nước ta đa dạng văn hóa các dân tộc, Đảng và Chính phủ rất chú trọng đoàn kết, tôn vinh các dân tộc.

Tiếp nhận nhiệm vụ với con số không của kẻ ngoại đạo, PGS.TS Nguyễn Văn Huy lao vào tìm hiểu về bảo tàng. Ông nghiên cứu tìm hiểu các bảo tàng dân tộc học trên thế giới, quy mô hình thức, cách triển khai, với hy vọng có thể học hỏi và ứng dụng phù hợp vào điều kiện thực tế ở Việt Nam, xây dựng nên một mô hình bảo tàng phù hợp nhất. Không chấp nhận đi theo lối mòn, ông quyết tâm tìm một hướng đi mới, cách tiếp cận mới, “cách mạng'' trong trưng bày bảo tàng. Sau bao nhọc nhằn, nhưng trên hết là trách nhiệm, tình yêu nước, tự hào về dân tộc, ông cùng các cộng sự đã xây dựng lên một bảo tàng sống động.

Năm 1995, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính thức mở cửa đón khách. Lần đầu tiên, công chúng Việt Nam được tham quan một bảo tàng lôi cuốn, hấp dẫn, hiện đại. Đó cũng là lần đầu tiên, bảo tàng tại Việt Nam có khu trưng bày ngoài trời, là những ngôi nhà của nhiều dân tộc được chính người dân tự đưa ra ý tưởng, tự tay xây dựng và lựa chọn những hình ảnh, hiện vật của dân tộc mình để trưng bày. Lần đầu tiên một bảo tàng tại Việt Nam có phòng trải nghiệm cho trẻ em, có bảo tàng bỏ túi bằng công nghệ 3D, thuyết minh 3D… Rất nhiều cái đầu tiên về bảo tàng đã được ông xây dựng, đúng với mong muốn đưa bảo tàng thành kênh phổ biến kiến thức dân tộc học sống động nhất.

Trưng bày Lễ cấp sắc người Dao tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Trưng bày Lễ cấp sắc người Dao tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhớ lại: “Khi ấy, chúng tôi đi phỏng vấn những người làm văn hóa, những người dân, xem họ suy nghĩ gì, họ muốn nói gì để thực hiện giới thiệu cho công chúng... Chúng tôi là những người đầu tiên thực hiện việc trao máy ảnh cho người dân, hướng dẫn người dân tự chụp ảnh sinh hoạt của cộng đồng mình, tự lựa chọn những hình ảnh mà họ muốn trưng bày, giới thiệu với du khách, hoặc tự mình tham gia vào làm phim để giới thiệu câu chuyện mà họ muốn kể… và chúng tôi đã thành công”.

Cách làm của ông khi ấy đã lôi cuốn nhiều tầng lớp xã hội, ngành nghề tham gia vào hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học. Không một buổi khai mạc trưng bày mới nào của bảo tàng vắng mặt báo chí. Các trường học ở Hà Nội và nhiều nơi xếp hàng cho học sinh đến tham quan, giao lưu. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội rất thích thú với Bảo tàng Dân tộc học. Bảo tàng còn thường xuyên có các lớp học miễn phí, trực tiếp các nghệ nhân hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống, trò chơi dân gian, ẩm thực...

Các cán bộ bảo tàng ai cũng phục ông, không chỉ giỏi chuyên môn, sáng tạo mà còn rất giỏi trong tìm kiếm tài trợ. Ông viết thư cho các bảo tàng thế giới, mời họ tới Việt Nam giao lưu, “khoe” với họ vẻ đẹp đa dạng của văn hóa Việt Nam, nhưng cũng là một cách thuyết phục họ hỗ trợ, chia sẻ, góp ý, nâng cao các hoạt động của bảo tàng. Bảo tàng Dân tộc học những năm ấy có lẽ là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam mỗi dịp trưng bày đều có buffet “uống rượu Tây” thưởng thức ẩm thực dân tộc miễn phí cho khách tham quan...

Sự ra đời của Bảo tàng Dân tộc học với mô hình sống động đã khiến cho quan niệm về hoạt động bảo tàng ở Việt Nam thay đổi mạnh mẽ. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn đứng vững trong Top những bảo tàng hút khách nhất Việt Nam và được rất nhiều trang web du lịch quốc tế bình chọn vào Top những bảo tàng hấp dẫn trong khu vực. Năm 2015, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, trước đó là Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2006) và Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2000).

... thay đổi cả ngành bảo tàng

Năm 2008, sau khi nghỉ hưu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy được rất nhiều bảo tàng mời làm chuyên gia cố vấn, đổi mới cho hoạt động bảo tàng. Ông gợi ý cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mời hai nhóm chuyên gia từ Pháp và Mỹ cùng một số chuyên gia về dân tộc học tham gia dự án đổi mới. Bảo tàng Phụ nữ chuyển từ một bảo tàng mang tính truyền thống thiên về tuyên truyền, sang một bảo tàng chuyên về giới. Ông giúp Bảo tàng Phụ nữ xin tài trợ, tổ chức tập huấn, mời chuyên gia nước ngoài đến tổ chức lại hệ thống trưng bày trong vòng hơn hai năm.

Năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khai trương mới, thay đổi hoàn toàn về chất: Trưng bày đẹp, có màu sắc và đa dạng, tập trung kể những câu chuyện đời thường đương đại gồm: Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong gia đình, trong lịch sử, trong xã hội; những câu chuyện, những vấn đề về giới mà xã hội đang quan tâm trăn trở. Thông qua câu chuyện người phụ nữ, người ta hiểu được một phần xã hội Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy hướng dẫn trưng bày hiện vật di chỉ khảo cổ học.

 PGS.TS Nguyễn Văn Huy hướng dẫn trưng bày hiện vật di chỉ khảo cổ học.

Sau Bảo tàng Phụ nữ, ông tham gia đổi mới, góp phần thay đổi bộ mặt của Dinh Độc lập. Trước đây, du khách đến Dinh Độc lập để thăm kiến trúc và lịch sử dinh, nhưng phải nghe qua thuyết minh, những người muốn tự xem thì hầu như không thể vì không có thông tin để tìm hiểu. Nhưng kể từ năm 2014, với sự giúp đỡ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Dinh Độc lập đã có hệ thống diễn giải, hệ thống thông tin trong từng phòng với nội dung phong phú, trình bày đẹp, hấp dẫn để du khách có thể tự xem, tự tìm kiếm thông tin… Hình thức hướng dẫn thuyết minh bằng loa, ồn ào không hiệu quả đã được bỏ, thay vào đó là thuyết minh theo nhóm nhỏ, phục vụ từng du khách. Mô hình rất thành công. Cuộc trưng bày “Từ dinh Norodom đến dinh Độc lập” (3/2018) đánh dấu một bước nhảy vọt mới cho Dinh Độc lập.

Mặc dù nghỉ hưu nhưng ông vẫn cống hiến không ngừng cho ngành bảo tàng với vai trò điều hành Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ông cùng các cộng sự khôi phục “cấp cứu” hàng vạn tư liệu hiện vật của các nhà khoa học. Hơn 1.300 nhà khoa học đã trở thành đối tượng nghiên cứu và có các hồ sơ tài liệu và di sản đã đưa vào trong trung tâm, với khoảng 700.000 đầu tài liệu, hiện vật. Một phần tài liệu, hiện vật đã được trưng bày tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Văn Huy tin tưởng, mô hình mới và độc đáo này sẽ đóng góp rất lớn trong việc phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học Việt Nam.

Mới đây, ông cũng giúp người dân làng Lai Xá xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - bảo tàng làng nghề đầu tiên ở Việt Nam. Bảo tàng hiện không chỉ là niềm tự hào của người dân Lai Xá, mà còn là hy vọng để phát triển du lịch trong thôn.

Một góc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.

Một góc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.

Sau nhiều năm tháng tâm huyết đổi mới ngành bảo tàng, ông muốn làm một điều gì đó cho riêng mình và dòng họ. Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ra đời là bảo tàng gia đình đầu tiên ở Việt Nam có phong cách trưng bày đẳng cấp, chuyên nghiệp và lôi cuốn. Cha ông, cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) là một nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam lỗi lạc; người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia Việt Nam trong thời gian dài nhất 28 năm, 350 ngày. Cuộc đời sự nghiệp và những nghiên cứu của cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên cùng gia đình và dòng họ Nguyễn là tấm gương, niềm tự hào của nhiều thế hệ lịch sử.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho biết, nhìn lại chặng đường 50 năm nghiên cứu văn hóa và di sản các dân tộc, điều ông tâm đắc nhất là góp phần thay đổi ngành bảo tàng, bảo tồn các di sản. Cho đến giờ, trăn trở nhất của ông vẫn là làm thế nào các bảo tàng thực sự trở thành những điểm đến có ích và hấp dẫn đối với xã hội, góp phần hình thành niềm tự hào dân tộc trong các thế hệ người Việt Nam.

Theo Đời sống
back to top