Người giúp việc bị lao

(khoahocdoisong.vn) - Chị giúp việc 48 tuổi, người gầy, hay ho khạc đờm, đi khám bệnh thì phát hiện chị ấy bị lao. Chị Chu Minh Hương phải đưa cả nhà đi khám bệnh.

Chị Chu Minh Hương (Hải Phòng) vừa phải đưa cả nhà đi Hà Nội khám bệnh. Chả là gần đây, gia đình chị mượn một người giúp việc ở quê ra. Chị giúp việc 48 tuổi, người gầy, hay ho khạc đờm.

Vợ chồng chị cẩn thận đưa chị giúp việc đi khám bệnh thì phát hiện chị ấy bị lao phải nhập viện lao điều trị. Gia đình chị Hương sợ quá cả nhà đưa nhau lên Viện Lao Trung ương xin chụp chiếu và làm các xét nghiệm. Mặc dù cả nhà có kết quả âm tính nhưng vẫn không hết lo lắng.

Lời bàn: Ths.BS Lê Anh Tuấn, nguyên Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, trực trùng lao gây bệnh cho người ở nhiều cơ quan như: phổi, ruột, thận, não, da, tiết niệu, xương khớp, trong đó lao phổi là bệnh lây nhiều và nhanh hơn cả. Vi khuẩn lao lẫn vào đờm nhất là đờm có máu.

Khi người bệnh ho hoặc nói chuyện, vi khuẩn theo các hạt nước bọt bắn ra xa 1,5 mét, người lành hít vi khuẩn lao có thể lây bệnh. Nếu người bệnh khạc nhổ đờm thì đờm khô sẽ lẫn vào bụi theo gió lây sang người khác.

Phòng tránh bệnh lao cần phải cách ly người bệnh tại bệnh viện. Nhân viên y tế, người nhà đến thăm và bệnh nhân đều phải đeo khẩu trang. Tiêm phòng lao là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Rút kinh nghiệm khi thuê người giúp việc hoặc tuyển dụng người làm công phải có giấy chứng nhận sức khoẻ của bác sĩ là không có bệnh truyền nhiễm.

Theo Đời sống
back to top