Người dùng bất an trước hàng loạt sự cố về an ninh mạng toàn cầu

(khoahocdoisong.vn) - Trong vài ngày qua, hàng loạt website nổi tiếng đồng loạt gặp sự cố. Facebook cũng trục trặc khiến người dùng không thể xem được các bài viết đăng tải dưới dạng hình ảnh... Đặc biệt, 8,4 tỷ mật khẩu của gần 2/3 người dùng Internet toàn cầu vừa bị tin tặc công khai trên diễn đàn. Bảo vệ máy tính, rà soát lại hệ thống bảo mật, ẩn IP... là điều mà các chuyên gia khuyến cáo cần làm ngay lúc này.
Hàng loạt các website lớn gặp sự cố.

Hàng loạt các website lớn gặp sự cố.

Nhiều website đình đám dính sự cố

Các chuyên gia IT cho biết, chiều tối 8/6 đã có sự cố nghiêm trọng xảy ra với nhiều website lớn trên toàn cầu. Hàng loạt website như CNN, New York Times, Reddit, Twitch, Bloomberg, Nhà Trắng và chính phủ Anh đồng loạt không thể truy cập, hiện "Error 503 Service Unavailable". Điều tương tự cũng xảy ra với một loạt các website như Amazon, Twitch, Reddit, Paypal, Hulu... gây ra tâm lý hoang mang, bất an đối với người dùng internet trên toàn cầu.

Mặc dù sau đó, nguyên nhân được giải thích đến từ sự cố gián đoạn của 2 tuyến cáp quang biển và từ sự cố của Fastly, mạng phân phối nội dung (CDN) dựa trên nền tảng đám mây, được sử dụng phổ biến bởi nhiều trang web tại Mỹ nhưng người dùng vẫn cảm thấy bất an. Nguyên nhân là do trước đó ít ngày, một sự cố nghiêm trọng cũng đã xảy ra với Facebook khiến người dùng không thể xem được các bài viết được đăng tải dưới dạng hình ảnh trên mạng xã hội này. Dù chỉ một thời gian ngắn sau đó sự cố đã được khắc phục, nhưng ngay sau đó, một thành viên đã đăng trên một diễn đàn tin tặc nổi tiếng tập tin văn bản 100GB chứa 8,4 tỷ mật khẩu. Bộ sưu tập mật khẩu khổng lồ được đặt tên là RockYou2021. Đây là danh sách mật khẩu lớn nhất thế giới được công bố cho đến lúc này. 

Mặc dù hacker nói tập tin chứa 82 tỷ mật khẩu nhưng theo đánh giá riêng của Cyber News, số lượng mật khẩu thực tế chỉ bằng 1/10, khoảng 8,459,060,239. Thế giới hiện có khoảng 4,7 tỷ người truy cập internet, do đó, bộ sưu tập RockYou2021 có thể chứa mật khẩu của gần 2/3 dân mạng toàn cầu. Vì vậy, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dùng toàn cầu nên thực hiện thay đổi mật khẩu và tăng cường các biện pháp bảo vệ khi sử dụng internet.

Cần trang bị kiến thức về bảo mật và an ninh mạng

Theo ông Phạm Hoài Nam, Trung tâm An ninh mạng Bách khoa, internet không hề ẩn danh như chúng ta nghĩ. Bất cứ nơi nào bạn lướt qua cũng sẽ để lại dấu vết. Các chuyên gia IT cũng như hacker có thể truy vết bạn qua IP và lịch sử truy cập, tìm kiếm. Theo công bố của Securitydaily.net, Việt Nam nằm trong top 3 nước kém an toàn an ninh mạng nhất thế giới. Trước đó, Tổ chức Nghiên cứu thị trường EY cho biết, có tới 40% website của Việt Nam đang tồn tại lỗ hổng bảo mật. 

Do vậy, mỗi khi có các cảnh báo về bảo mật, bạn cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp bảo vệ máy tính của mình. Luôn dùng phần mềm diệt virus và giữ cho phần mềm luôn cập nhật. Kiểm tra các cài đặt bảo mật máy tính, bảo mật mạng xã hội, email. Thận trọng khi mở các tập tin đính kèm của email hoặc tin nhắn lạ, có biểu hiện nghi vấn. Không cài đặt các chương trình lạ. Chú ý cảnh giác với các cảnh báo qua email và kiểm tra điều được nhà mạng khuyến cáo.

Phần mềm diệt virus có thể không phát hiện tất cả nhưng có thể ngăn chặn nhiều phần mềm độc hại trước khi chúng có cơ hội tác động đến máy tính của bạn. Rất nhiều virus giả danh link chương trình phần mềm cập nhật tự động. Hãy cảnh giác khi nhấn vào các liên kết trong email tuyên bố có bản cập nhật cho phần mềm của bạn. Cách làm an toàn nhất là nhập địa chỉ của trang web đó vào URL thanh trên trình duyệt của bạn để truy cập trực tiếp vào trang web.

Hầu hết các hệ điều hành (như Windows 8) đều có tường lửa và các biện pháp bảo vệ an toàn khác để ngăn chặn việc truy cập trái phép đến máy tính của bạn. Hãy cài đặt bản cập nhật hoặc bản vá bảo mật cho hệ điều hành của bạn.

Cân nhắc, kiểm tra kỹ trước khi cài đặt hoặc chạy mới phần mềm không giới hạn như chương trình phần mềm miễn phí hoặc phần mềm chia sẻ có sẵn trên mạng. Chỉ tải xuống phần mềm từ nguồn mà bạn tin cậy. Phần mềm độc hại (như virus và phần mềm gián điệp) thường giả mạo là hợp lệ chương trình thậm chí là hữu ích.

Không tin vào bất cứ cảnh báo nào bạn đọc được - đặc biệt là các cảnh báo bật lên mà bạn thấy khi duyệt Web. Các công ty giả mạo sử dụng quảng cáo bật lên để hiển thị cảnh báo sai về máy tính của bạn. Bạn có thể nhận được một cảnh báo qua email tuyên bố là từ một máy tính "chuyên gia" cảnh báo bạn về một loại vi rút nhưng chúng thật ra là lừa đảo.

Để kiểm tra tài khoản thông tin đã bị rò rỉ dữ liệu hay chưa, các bạn có thể truy cập và làm theo hướng dẫn của Trung tâm giám sát an toàn An ninh mạng quốc gia.

Theo Đời sống
back to top